Hiện, Việt Nam mới có3 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air |
Giảm hơn nửa số tàu bay để phù hợp với hạ tầng
Trong văn bản mới nhất gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vietstar cho biết ,thời gian qua, trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành liên quan, Cục Hàng không VN yêu cầu Vietstar điều chỉnh đáng kể kế hoạch kinh doanh vận chuyển hàng không để phù hợp với cơ sở hạ tầng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Ông Phạm Trịnh Phương, Tổng giám đốc Vietstar cho biết, theo kế hoạch mới, Vietstar đã giảm số lượng tàu bay từ 23 chiếc đến năm 2021 xuống còn 10 chiếc. Đặc biệt, số lượng tàu bay đỗ tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 2017 - 2020 chỉ có 5 chiếc.
“Các hangar (nhà chứa máy bay) bảo dưỡng tàu bay tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất của CTCP Kỹ thuật hàng không Ngôi Sao Việt (cùng tập đoàn với Vietstar) có thể cho phép cả 5 tàu bay này đỗ qua đêm trong hangar vào những thời điểm sân bay thiếu vị trí đỗ tàu bay qua đêm, để nhường sân đỗ tàu bay cho các hãng hàng không khác”, ông Phương nói thêm.
Đối với nhà ga hành khách, ông Phương cho biết, theo các quy định phê duyệt lịch bay hiện hành, Cục Hàng không VN sẽ chỉ phê duyệt lịch bay cho các hãng hàng không (bao gồm cả Vietstar) vào các khung giờ mà CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cung cấp được quầy thủ tục, phòng chờ, cửa ra tàu bay, sân đỗ tàu bay trong các giới hạn công suất của cảng hàng không được công bố một cách chặt chẽ và hợp lý. Hãng hàng không này cũng viện dẫn văn bản của Cục Hàng không VN xác nhận: “Công ty Vietstar đã điều chỉnh kế hoạch khai thác và phương án đảm bảo tàu bay khai thác phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng của hạ tầng cảng hàng không VN”.
Theo nhà chức trách hàng không, với cơ sở hiện có của Vietstar Aviation (2 hangar tại Tân Sơn Nhất có thể chứa được 5 tàu bay chủng loại A320/A321 và B737), kế hoạch bay của Vietstar với 5 tàu bay đỗ qua đêm tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là khả thi.
Nhanh nhất cuối 2018 mới nâng cấp xong Tân Sơn Nhất
Các điều chỉnh kể trên được Vietstar đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng quyết định tạm thời chưa cấp phép bay cho Vietstar. Cụ thể, văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 7/4 gửi Bộ GTVT nêu rõ: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Bộ GTVT đang hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngay cả khi phương án điều chỉnh được phê duyệt trong quý II/2017, nhanh nhất cũng phải cuối năm 2018, nửa đầu 2019 việc xây nhà ga hàng không mới T4 cũng như nâng cấp khu bay tại đây mới hoàn thiện.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, hiện chưa rõ khả năng Chính phủ sẽ quyết định như thế nào về trường hợp của Vietstar, song vị này cho rằng, chưa bàn đến vấn đề hạ tầng, việc bổ sung thêm Vietstar với ngành Hàng không là cần thiết. “Hiện, chúng ta mới có 3 hãng hàng không là: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air. Con số này quá nhỏ bé so với quy mô dân số Việt Nam”, vị này nói và cho biết thêm: Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, mức độ công cộng hóa vận tải hàng không (số hành khách bay nội địa so với dân số) của ta mới bằng một nửa. Được biết, với chưa đến 70 triệu dân, Thái Lan hiện đang có 8 hãng hàng không thương mại được cấp phép bay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận