Kinh tế

Viglacera quảng cáo "nổ" sứ vệ sinh và gạch ốp lát tự diệt 89% vi khuẩn

11/04/2020, 12:30
image

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Viglacera tung ra quảng cáo “nổ”, sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát của hãng này tự diệt đến 89% vi khuẩn...

img
Men sứ Viglacera, kem bôi, khăn giấy... đua nhau "nổ" diệt 89% vi khuẩn (Ảnh: nội dung quảng cáo đăng tải trên website của Tổng Công ty Viglacera)

"Diệt được khuẩn thì diệt luôn cả người"

Sau khi Hà Nội xuất hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên (bệnh nhân số 17, tối 6/3), Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Viglacera) tung quảng cáo "nổ" bộ đôi sản phẩm sứ vệ sinh và gạch ốp lát Viglacera có khả năng tự diệt khuẩn.

Theo nội dung quảng cáo, bộ đôi sản phẩm sứ vệ sinh và gạch ốp lát Viglacera được ứng dụng công nghệ men Nano nung Nano TiO2.

"Nano TiO2 được pha trực tiếp vào men sống và phun trực tiếp lên sản phẩm sứ vệ sinh mộc, trải qua quá trình nung với nhiệt độ từ 1200-1250 độ C, men nano được thủy tinh hóa trên bề mặt men của sản phẩm sứ vệ sinh, lớp men sứ trở nên siêu bền mãi mãi với thời gian và tăng hẳn độ sáng trắng của sản phẩm. Sứ vệ sinh Viglacera hoàn toàn "tự làm sạch", kháng khuẩn, siêu chống bám dính, ố bẩn. Được Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh chứng nhận diệt đến 89% vi khuẩn gây hại đến sức khỏe người sử dụng.

Những dòng sản phẩm này có khả năng tự diệt khuẩn, thường được dùng trong các cơ sở y tế, bệnh viện tại nước ngoài, nơi mà có môi trường yêu cầu sự vô trùng cao và đã được sử dụng rộng rãi tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu", nội dung quảng cáo đăng tải.

img
Viglacera khẳng định sản phẩm có khả năng tự diệt khuẩn (Ảnh: nội dung quảng cáo đăng tải trên website của Tổng Công ty Viglacera)

Trả lời PV Báo Giao thông, đại diện Viglacera phủ nhận nội dung sản phẩm tự diệt khuẩn như quảng cáo mà chỉ xác nhận là kháng khuẩn. Đồng thời cung cấp 2 phiếu kết quả xét nghiệm vi sinh của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh từ những năm 2013 cấp cho mẫu Men KK2 và 2016 gạch kháng khuẩn.

Tuy nhiên, cả 2 mẫu này được thử nghiệm với 3 chủng vi khuẩn phổ biến: Salmonella typhi (Thương hàn), Escherichia coli (trực khuẩn lị), Bacillus cereus, một loại vi khuẩn gây tiêu chảy. Phiếu kết quả cũng ghi rõ, kết quả chỉ có giá trị đối với mẫu gửi đến. Không sử dựng kết quả này vào mục đích quảng cáo. Thế nhưng đơn vị này đang làm ngược lại.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS, TS, Chuyên gia vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định, TiO2 (Titanium dioxide - Ô xít ti tan) là hợp chất, là một phân tử đã trung hoà nên TiO2 không chịu tác dụng với vật khác và không chịu tác dụng của vật khác lên nó. Như vậy có thể hiểu vi khuẩn, virus, bụi bẩn đậu, bám vào không sao cả. Nên nói TiO2 diệt khuẩn đã là sai, tự diệt khẩn thì càng không đúng. "Nó diệt được khuẩn thì diệt luôn cả người", ông Khải nói.

Khăn lau tay, kem bôi mũi chống Covid-19

Không chỉ có các "ông lớn" như Viglacera tung ra những quảng cáo "phi lý" mà các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm cũng được "thổi" nâng giá trị tràn lan trên mạng xã hội.

Một tài khoản Facebook có tên H.S. giới thiệu: Chỉ với 18.000 đồng/gói 30 miếng khăn ướt lau tay là không còn sợ lây nhiễm Covid-19. Người này còn cam kết khăn ướt diệt đến 99,9% cả virus và vi khuẩn trong vòng 15 giây.

Tương tự, một chủ tài khoản Facebook khác ở Hà Nội quảng cáo: Hiện nay rất nhiều người đang dùng 'kem bôi mũi chống Covid-19", chỉ cần mua tuýp 115.000 đồng, không còn sợ Covid-19...

Chủ tài khoản này còn khẳng định, khi đi tới những chỗ đông người hoặc những nơi có dịch bệnh, chỉ cần bôi kem lên mũi, virus đi vào cơ thể sẽ bị diệt ngay. Hàng chất lượng, nhập khẩu từ bên Nga rất hiếm nên có thể an tâm sử dụng. Trong khi đó, hiện nay, nước Nga đã có hơn 10 nghìn ca nhiễm, 76 người tử vong.

Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Trần Thị Vân Anh - Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có loại thuốc diệt được Covid-19. Vaccine phòng chống cũng chưa có, càng không có bất cứ một loại kem, dung dịch nào có thể tiêu diệt được Covid-19.

Những sản phẩm được quảng cáo tiêu diệt được Covid-19 chỉ là bịa đặt, không có thật. Một số sản phẩm chỉ có tác dụng ngừa cúm nhưng lại được thổi phồng lên là có thể diệt luôn cả virus.

Để đảm bảo an toàn, người dân nên thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế như: Rửa tay sạch bằng xà phòng thường xuyên, đeo khẩu trang... Đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng hệ miễn dịch cho cơ thể.

Bác sĩ Vân Anh lưu ý thêm khi sử dụng cồn hoặc những sản phẩm có cồn, người dân nên tìm những sản phẩm đã được cấp phép đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường. Hiện có nhiều sản phẩm trôi nổi được rao bán chưa được kiểm chứng sẽ tạo ra cảm giác an toàn 'ảo', khiến nhiều người chủ quan không vệ sinh cá nhân thường xuyên rất dễ gây bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết để điều trị được Covid-19 phải điều trị từ bên trong cơ thể, những loại dung dịch bôi ngoài da không thể diệt được.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ: “Hiện người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung rất “nhạy cảm” với từ virus bởi dịch bệnh do Covid-19 đang hoành hành. Họ đổ xô mua những sản phẩm được quảng cáo là có khả năng diệt virus để mong được bảo vệ tốt, nhưng thực tế, không phải bất cứ sản phẩm nào có thể diệt vi khuẩn đều tốt cho sức khoẻ con người. Phải cảnh báo mọi người, đừng ngộ nhận việc đó, tránh tiền mất tật mang”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.