Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Vinaconex diễn ra vào sáng nay (27/4)
Tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu, tích lũy nguồn lực đón đầu những cơ hội lớn để đạt được mục tiêu doanh thu lợi nhuận trong 5 năm tới,… đó là các kế hoạch và định hướng chiến lược được Vinaconex (mã VCG) đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra sáng nay (27/4) và được các cổ đông nhất trí cao.
Cổ đông đồng thuận với chiến lược tăng quy mô vốn
Với những chuyển biến tích cực trong nội tại doanh nghiệp sau 2 năm tái cơ cấu, lợi nhuận đạt được gấp đôi kế hoạch, dòng tiền mạnh, tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt sớm (Vinaconex đã thực hiện tạm ứng cổ tức 2020 từ tháng 1/2021), cổ đông đã bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ chiến lược phát triển trong thời gian tới của HĐQT Vinaconex. Các cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu nhằm gia tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn dài hạn và bền vững cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, VCG sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm bên cạnh kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với giá chuyển đổi không thấp hơn 2 lần giá trị sổ sách; đồng thời chào bán gần 58,29 triệu cổ phiếu, tương đương với 14,485% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại ngày 31/12/2020. Các kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu dự kiến đem về cho Vinaconex khoảng 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ đông Vinaconex sẽ được chia cổ phiếu thưởng từ cổ phiếu quỹ với tỷ lệ 9%.
Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất đạt 12.230 tỷ đồng, tăng 41% so với kết quả thực hiện năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Tham vọng tích lũy 5.000 ha đất vào năm 2025
Báo cáo với các cổ đông tại đại hội, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, chiến lược phát triển của Vinaconex dựa trên 3 lĩnh vực chính, tạo thế chân kiềng vững chắc cho doanh nghiệp, gồm xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính, đã chứng minh hiệu quả và thể hiện sự đúng đắn qua những kết quả mà Tổng công ty đạt được trong năm 2020.
Tính riêng năm 2020, giá trị các hợp đồng xây dựng VINACONEX đã ký kết ước đạt trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án có giá trị lớn như: 3 trong số các gói thầu lớn nhất của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45) trị giá 8.000 tỷ đồng; Dự án Mikazuki Đà Nẵng ; Tổ hợp hóa dầu Long Sơn; Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Dự án Bệnh viện K TW… Thương hiệu, năng lực kỹ thuật và tài chính, cũng như chất lượng các công trình mà Vinaconex đã và đang thực hiện là cơ sở để doanh nghiệp trúng thầu ở nhiều dự án lớn.
Vinaconex đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây
Trong lĩnh vực bất động sản, Vinaconex đã tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm, đang triển khai thi công để sớm có sản phẩm đưa ra thị trường như dự án Cát Bà - Amatina; Dự án chung cư cao cấp 93 Láng Hạ; Dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Móng Cái; Dự án khu dân cư đô thị Km3, Km4 phường Hải Yên, Móng Cái,…
Tổng công ty cũng đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (Dự án Condotel Resort ven biển Tuy Hòa, Phú Yên; Dự án khu khách sạn Resort Tam Kỳ, Quảng Nam), các dự án bất động sản khu công nghiệp tại Hà Nội, Hà Nam…. Với nguồn lực tài chính vững mạnh, Vinaconex đang đẩy mạnh việc tích lũy quỹ đất với mục tiêu đạt được 5.000ha đất dự án vào năm 2025.
Hoạt động đầu tư tài chính cũng mang lại hiệu quả cao thông qua việc Vinaconex sở hữu vốn tại nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hiệu quả (năng lượng, điện, nước, giáo dục, xuất khẩu lao động..). Nguồn thu cổ tức, lợi nhuận từ các công ty con, công ty liên kết ổn định, có thể kể đến sự đóng góp của các đơn vị thành viên như Nedi 2, Viwaco, hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ,…
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã thoái vốn dứt điểm tại một số công ty hoạt động kém hiệu quả hoặc không mang lại lợi nhuận kỳ vọng. Hoạt động tái cấu trúc vốn năm 2020 được thực hiện hiệu quả, góp phần mang lại lợi nhuận cao cho Vinaconex.
VCG ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2020 đạt 1.690 tỷ đồng, gấp 2,15 lần so với năm 2019. Tính đến cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản của VCG đạt gần 19.610 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn đạt 3.546 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản và tăng 54% so với đầu năm.
Trao đổi với các cổ đông, lãnh đạo Tổng công ty cho biết, Vinaconex đang sẵn sàng và đủ nguồn lực tài chính, con người để đảm bảo tiến độ các dự án xây lắp hạ tầng và triển khai ngay các dự án bất động sản khi tình hình thị trường đang có những biến chuyển thuận lợi hơn.
Đại diện của Vinaconex đã từng chia sẻ tham vọng trở thành Top 10 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về đầu tư, kinh doanh BĐS và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, với quỹ đất dự án trên 5.000 ha, đạt 2.000 tỷ lợi nhuận trong vòng 5 năm tới, trong đó xây dựng và bất động sản chiếm cơ cấu 70% tổng doanh thu/lợi nhuận. Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở khi VCG hiện nay đã tích lũy được quỹ đất khoảng 2.000 ha trải dài tại nhiều địa phương có thị trường BĐS sôi động của cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên…. Cộng với nguồn lực tài chính sẵn có, kế hoạch tăng vốn điều lệ phát hành trái phiếu dự kiến đem về 5.000 tỷ đồng, thị trường kỳ vọng Vinaconex có thể tự tin đẩy mạnh hoạt động xây lắp, triển khai các dự án bất động sản nhà ở, khu đô thị nghỉ dưỡng và BĐS khu công nghiệp, xây dựng, định vị và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận