Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp chiều 15/1 |
Giảm Lỗ từ vận tải tới 61%
Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn cho biết, năm 2014, sản lượng vận tải của Vinalines ước đạt 27,55 triệu tấn, bằng 94% thực hiện năm 2013. Hàng thông qua cảng ước đạt 78,5 triệu tấn, tăng 3% so với 2013. Doanh thu ước đạt hơn 19,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96% thực hiện năm 2013.
Kết quả này có được trong bối cảnh thị trường vận tải biển phục hồi chậm và diễn biến thất thường, khó dự đoán, trong khi hầu hết các DN của Vinalines đều đối mặt với khó khăn về tài chính, nguồn vốn eo hẹp. Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định, đây là giai đoạn “từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo sự ổn định và phát triển phù hợp với thị trường”.
Tháng 12/2014, Bộ GTVT đã hoàn tất việc xác định giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ Vinalines. Hiện, Tổng công ty đang cùng với tư vấn lên phương án để thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngay trong quý I năm nay. |
Cụ thể, theo ông Sơn, một trong các giải pháp xuyên suốt của Tổng công ty trong năm 2014 và cả những năm trước mắt là kiểm soát chặt các khoản lỗ phát sinh, cắt giảm tối đa những mảng kinh doanh gây thua lỗ, tiết giảm chi phí.
Trong năm 2014, Vinalines đã kiên quyết cho dừng tới 50% hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển sang làm kho ngoại quan giúp mang lại lợi nhuận tốt hơn. Các tàu già, cũ, kinh doanh thua lỗ cũng được Vinalines cho dừng chạy và bán dần. Các tàu khác kinh doanh kém hiệu quả được chuyển sang cho thuê thay vì tự khai thác, giúp giảm bớt áp lực lãi vay và nợ nhà cung ứng.
“Từng đơn vị vận tải đều tìm mọi cách cắt giảm chi phí, đặc biệt là chi phí sửa chữa, nhiên liệu (chiếm tới 40% tổng chi phí khai thác tàu biển), nỗ lực triển khai các giải pháp tăng doanh thu như tăng cường quản lý, tìm kiếm mở rộng thị trường”, ông Sơn cho biết.
Cũng từ đây, theo ông Sơn, tuy sản lượng và doanh thu xấp xỉ năm 2013, song lỗ từ vận tải đã giảm tới 61% so với năm 2013, mang lại dòng tiền dương tại nhiều đơn vị. Doanh thu khối cảng chỉ tăng nhẹ so với năm 2013, tuy nhiên, mức lỗ đã giảm tới 35% so với năm trước.
Cùng đó, ông Sơn cũng cho biết, sở dĩ sản lượng và doanh thu năm 2014 của Vinalines không tăng một phần do DN đã thoái vốn Nhà nước tại một số cảng biển cũng như thoái toàn bộ vốn khỏi hoạt động đầu tư tài chính, bất động sản, để tập trung vào lĩnh vực SXKD chính được xác định là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Việc này làm giảm sản lượng và doanh thu song lại giúp lành mạnh hóa tài chính, bảo toàn được vốn Nhà nước.
Không đặt nặng doanh thu, lấy hiệu quả làm mục tiêu
Khẳng định hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vinalines khá hơn nhiều, chuyển biến tốt hơn so với kỳ vọng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, Vinalines không nên đặt nặng vấn đề doanh thu mà phải lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm mục tiêu. Bộ trưởng cũng yêu cầu Vinalines phải tiết kiệm tối đa để nâng cao hiệu quả SXKD, nâng cao đời sống người lao động.
“Năm qua, Tổng công ty đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện, thực hiện mục tiêu trở thành DN nòng cốt trong vận tải biển và khai thác cảng biển. 10 DN thành viên đã được CPH, bốn DN giải thể chấm dứt hoạt động, một DN dừng hoạt động, hai DN tiến hành thủ tục phá sản. Với Công ty mẹ, tiếp tục triển khai cơ cấu nợ thông qua Công ty TNHH Mua bán nợ VN (DATC), thoái vốn Nhà nước tại các DN, giảm đầu mối theo Đề án tái cơ cấu tài chính được Thủ tướng đã phê duyệt”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cho rằng, tái cơ cấu tài chính là trọng tâm của tái cơ cấu DN và CPH Vinalines. Tái cơ cấu tài chính tốt, giảm được nợ, CPH mới thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược, như vậy CPH mới hiệu quả.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận