Vận tải

Vinalines tạo chuỗi logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long

18/12/2017, 09:15

Hiện, các sà lan của Vinalines Container được khai thác với tần suất 4-5 ngày/chuyến trên hành trình Cần Thơ-Vĩnh Long-TP.HCM.

3

Vận chuyển container bằng sà lan đường thủy tại Đồng bằng sông Cửu Long

Kết nối vận tải container bằng sà lan

Sau 1 năm đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển container bằng đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng hàng container vận chuyển bằng sà lan của Công ty Vận tải biển Vinalines Container tăng trưởng mạnh, lên tới gần 60% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cho biết, đơn vị thành viên của Vinalines là Công ty Vận tải biển Vinalines Container (Vinalines Container) đang cung cấp, khai thác dịch vụ vận chuyển container bằng sà lan từ TP.HCM đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và ngược lại. Đồng thời, Vinalines Container cũng cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa hai chiều bằng đường thủy, đường biển từ ĐBSCL và các cảng biển khu vực miền Trung như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, các cảng biển khu vực phía Bắc, trong đó có cảng Tân Vũ - cảng Hải Phòng. Thực hiện chiến lược mở rộng các dịch vụ hỗ trợ khách hàng, đơn vị này còn kết nối chuyển tải hàng hóa của các đối tác lớn từ khu vực cảng Tân Thuận, các cảng cạn ICD khu vực Thủ Đức, Đồng Nai, Bình Dương, khu vực TP.HCM và các cảng nước sâu khu vực Cái Mép...

Lý giải lý do vận tải thủy chưa tận dụng được lợi thế ở khu vực ĐBSCL, theo nhiều chuyên gia, khu vực này cũng đang thiếu các trung tâm logistics tập trung và hệ thống trung tâm vệ tinh. Điều này khiến cho mạng lưới vùng thiếu kết nối, chưa tận dụng thế mạnh về mạng lưới giao thông thủy nội địa nên lượng hàng hóa qua các cảng của vùng hàng năm khá thấp, chỉ khoảng 20%.

Đại diện Vinalines Container thông tin, đơn vị đang quản lý, khai thác trực tiếp 2 sà lan chuyên chở container loại 24 Teus và 54 Teus, kết hợp mua và trao đổi chỗ với Vinalines Hậu Giang (đang khai thác sà lan 72 Teus) và Vinalines Hồ Chí Minh (đang khai thác sà lan 128 Teus).

Hiện, các sà lan của Vinalines Container được khai thác với tần suất 4-5 ngày/chuyến trên hành trình Cần Thơ - Vĩnh Long - TP HCM. Tại Cần Thơ, sà lan được khai thác ghé các cảng như: Cái Cui, Hoàng Diệu, Trà Nóc, Hậu Giang, Mỹ Thới; tại TP HCM, sà lan được khai thác linh hoạt ghé các cảng và ICD như: Tân Thuận, Khánh Hội, Bến Nghé, VICT, Cát Lái, ICD Sotrans, ICD Phước Long.

Sau một năm đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển container bằng đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL, sản lượng hàng container bằng sà lan 11 tháng năm 2017 của ba đơn vị Vinalines Container, Vinalines Hậu Giang và Vinalines Hồ Chí Minh tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2016, đạt hơn 14.000 Teus.

“Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các khách hàng, Vinalines Container tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp khác của Vinalines như: Vinalines Hậu Giang, cảng Cần Thơ, Vinalines Hồ Chí Minh, Vinalines Logistics, cảng Sài Gòn phát triển và cung cấp gói dịch vụ logistics trọn gói tại khu vực này”, đại diện Vinalines cho biết.

Thâm nhập thị trường tiềm năng

Theo một số nghiên cứu của các chuyên gia vận tải, khu vực ĐBSCL là thị trường vận tải tiềm năng lớn cho đường thủy, bởi dự báo lượng hàng qua các cảng của khu vực ĐBSCL từ nay đến năm 2030 là rất lớn. Cụ thể, đến năm 2020 là từ 25-28 triệu tấn/năm, đến năm 2030 khoảng từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm; trong đó, hàng tổng hợp, container chiếm từ 21-26 triệu tấn/năm.

ĐBSCL là vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, đây cũng là vùng có hệ thống sông ngòi dày đặc, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển loại hình vận tải container bằng sà lan. Trong khi đó, hiện khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng ĐBSCL đang phải tiếp chuyển đến các cảng khu vực miền Đông Nam bộ bằng đường bộ để xuất khẩu. Hiện, khoảng 2/3 lượng hàng hóa của vùng ĐBSCL phải chuyển tải về các cảng biển TP.HCM và Cái Mép bằng đường bộ.

Về đường thủy, lợi thế khu vực này là đường thủy và vận tải thủy có tiềm năng, lợi thế để nâng thị phần vận tải, giảm tải cho đường bộ và giá thành rẻ hơn nhiều so với đường bộ. Bằng hệ thống đường thủy, từ TP HCM có thể kết nối vận tải dễ dàng với các tỉnh miền Tây qua các tuyến kênh rạch như: Kênh Đôi, kênh Tẻ, qua kênh Chợ Gạo để rồi từ đó tỏa ra khắp các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, việc khơi thông luồng tàu biển vào sông Hậu sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông đường thủy, phát huy hiệu quả các cảng ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh...

Các chuyên gia cũng tính toán, một tấn hàng hóa từ ĐBSCL vận chuyển bằng đường thủy về các cảng TP.HCM để xuất khẩu có chi phí khoảng 10 USD, còn vận tải bằng đường bộ có chi phí cao hơn từ 10 - 60%.

“Bộ GTVT đang thực hiện chính sách phát triển mạnh giao thông vận tải thủy, phát triển logistics khu vực ĐBSCL. Vinalines đang triển khai dịch vụ container bằng đường thủy tại khu vực trên và sẽ tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ vận tải thủy, liên kết với các đối tác đầu tư để xây dựng dịch vụ chuỗi logistics trọn gói, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển ĐBSCL”, đại diện Vinalines cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.