Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936, nguyên Trưởng phòng Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
Ông thuộc thế hệ nhạc sĩ trưởng thành từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong những năm 1965 đến 1971, nhạc sĩ Văn Dung đã có dịp đi thực tế sáng tác ở Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào… vượt qua các tuyến lửa trên đường Trường Sơn – con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Nhạc sĩ Văn Dung
Tại đây, ông đã cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng như Giải phóng quân ta ra đi (1965), Tiến về Khe Sanh (1968), Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng (1971), "Đường Trường Sơn xe anh qua", "Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh", “Bài ca Đường 9 chiến thắng”… và sau này cũng có nhiều ca khúc như “Vì một hành tinh xanh”, "Những bông hoa trong vườn Bác"...
Ở những sáng tác của nhạc sĩ Văn Dung có nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, “Đường Trường Sơn xe anh qua” là một trong những ca khúc từng lọt top 10 những ca khúc về ngành GTVT hay nhất do độc giả Báo Giao thông bình chọn năm 2015.
Đây là ca khúc được ông viết ở ngay mặt trận Đường 9. Bài hát đã phác họa tấm gương những cô gái thanh niên xung phong đã sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì độc lập dân tộc. “Tuổi thanh xuân đến với núi rừng/Dù bom rơi mưa dông nắng lửa/Vượt hiểm nguy em băng băng qua/Mở đường xe anh ra tiền tuyến…
Video ca khúc "Đường Trường Sơn xe anh qua":
Ông từng kể, có thời điểm khi về đến Hà Nội ít tháng, ông nhận được thư của một cô thanh niên xung phong. Trong thư, có đoạn viết: "Đêm nay 200 chúng em đi họp về, nghe "Đường Trường Sơn xe anh qua" không biết có phải nhạc sĩ viết về chúng em không?".
Theo địa chỉ hòm thư, nhạc sĩ Văn Dung đã gửi thư trả lời họ. Vài tháng sau, ôngnhận được tin cả đại đội thanh niên đã hy sinh.
Nhạc sĩ Cát Vận từng nhận định, nhạc sĩ Văn Dung có năng khiếu về mặt âm nhạc. Chính sự uyên bác của một nhà báo đọc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều, có mối quan hệ rộng rãi, đã cho nhạc sĩ lượng thông tin và cảm xúc nhất định để viết báo và sáng tác âm nhạc.
“Những bài báo và ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung vô cùng uyên bác, có tác dụng với đời sống thực. Ông thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật và trong tác phẩm của ông đầy hình tượng của cuộc sống, đầy hình tượng của thiên nhiên, tình cảm. Trong giai điệu có gì đó rất riêng biệt và đa dạng…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận