Vĩnh biệt Trịnh Thịnh - người nghệ sĩ của nhân dân

13/04/2014, 16:45

Tang lễ nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thịnh sẽ được cử hành hồi 14 giờ 45 phút thứ Ba ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Sự ra đi của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trịnh Thịnh, một lần nữa lại khiến những khán giả yêu điện ảnh Việt Nam hụt hẫng. Dần dần, những nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh nước nhà đã lần lượt rủ nhau về một bến bờ khác mà ở đó, có lẽ, nỗi niềm đau đáu với điện ảnh vẫn sẽ còn đeo bám họ.

Người xem yêu quý gọi ông là ông mũi to
Năm 1997, ông được phong NSDN, nhưng với nhân dân, "ông mũi to" Trịnh Thịnh đã là nghệ sĩ của nhân dân lâu rồi. 

Nghệ sĩ Trịnh Thịnh  sinh năm 1927. Ông lớn lên tại Hà Nội khi giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân. Ông từng học trường Tây, làm nhân viên Ngân hàng Đông Dương nhưng rồi thất nghiệp khi ngân hàng phá sản. Để mưu sinh, ông làm đủ nghề trên phố, trong đó có cả việc đẩy xe nước mía rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đến với điện ảnh của ông hết sức tình cờ khi một hãng phim của Liên Xô tuyển diễn viên lồng tiếng vào năm 1956. Ngay sau đó, người nghệ sỹ có gương mặt hết sức ấn tượng với chiếc mũi to, đôi mắt sáng đã lọt vào mắt xanh của nhiều đạo diễn. 

Cũng trong năm 1956, ông có cơ hội góp mặt ngay trong bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam là Chung một dòng sông. Và dù không được đào tạo điện ảnh nhưng bằng khả năng thiên phú cộng với kinh nghiệm

Nghệ sĩ Trịnh Thịnh
Nghệ sĩ Trịnh Thịnh

lồng tiếng ít ỏi và quan trọng nhất là sự lao động nghiêm túc hết mình, ông đã vào vai khá thành công. 

Từ bộ phim này, diễn viên Trịnh Thịnh tiếp tục được đánh giá cao  khi nhập vai anh chiến sĩ Cách mạng trong Vợ chồng A Phủ (1961), ông Củng trong Vợ chồng anh Lực (1971), tên quan huyện trong Chị Dậu (1980), ông chủ tịch huyện háo danh trong Thị trấn yên tĩnh (1986), ông nội thằng Bờm trong Thằng Bờm (1987), người cha trong Lá ngọc cành vàng (1989), ông lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông (1992)....Trịnh Thịnh cũng góp phần tạo nên thành công của những bộ phim nổi tiếng của đạo diễn nước ngoài như  Đông Dương (1992), Xích lô (1995). Bộ phim cuối cùng ông tham gia là Tết này ai đến xông nhà (2002) của đạo diễn Trần Lực.

Tính cách và thái độ làm việc nghiêm túc của Trịnh Thịnh rất được các đạo diễn ưa thích và tôn trọng. Dù chỉ một vai hài nhỏ, ông cũng dụng tâm khai thác triệt để đời sống tâm lý của nhân vật. Đạo diễn Trần Lực, đạo diễn Khải Hưng... đều dành cho ông sự yêu mến,kính trọng, họ khẳng định nếu đã giao vai cho ông thì hoàn toàn yên tâm. Nghệ sĩ Trịnh Thịnh  làm việc hết mình, xong việc là về mà ít khi giao du, ở lại nhậu với đồng nghiệp. 

Ông chính thức về hưu năm 1989 và 8 năm sau đó, năm 1997, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Nhưng năm 1997 chỉ là năm chính thức ông được nhận danh hiệu này của Nhà nước trao tặng, còn với khán giả, với nhân dân, "ông mũi to" Trịnh Thịnh đã là nghệ sĩ của nhân dân lâu rồi. 

Lối diễn xuất vô cùng duyên dáng khiến mỗi lần ông xuất hiện là khán giả lại cười nghiêng ngả. Vai diễn của ông, hài có, ác có, nhưng đều ẩn chứa bên trong những chất chứa sẻ chia với từng thân phận.

Bởi thế, người ta xem ông không thấy khiên cưỡng, xa lạ mà dường như giật mình thấy hình dáng nhân vật của ông đâu đó xuất hiện trong đời thường, khi là một ông già nhà quê độc đoán, cổ hủ, khi là một lão nông khờ khạo đáng yêu... Để rồi cười, khóc theo ông mà cũng chiêm nghiệm được nhiều điều. 

“Tôi xuất hiện không phải để hài, mà để gửi gắm tâm trạng bi hài của tôi, của một cõi người đến những cõi người" - Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh từng nói như rút ruột như thế. Hoá ra, sau những vai hài kia, trong ông chất chứa thật nhiều nỗi niềm. Xin vĩnh biệt ông - một trong những nghệ sĩ tài hoa đã xây dựng nền một nền điện ảnh cách mạng Việt Nam rất đáng tự hào. 

Tang lễ nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thịnh sẽ được cử hành hồi 14 giờ 45 phút thứ Ba ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

My Anh 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.