Giao thông

Vinh danh hầm Đèo Cả

02/05/2018, 11:02

Niềm vui vừa đến với những người Đèo Cả vào những ngày đầu tháng tư khi dự án hầm đường bộ xuyên núi...

49

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hầm Đèo Cả tháng 1/2018

Những ngày tháng không thể quên

Ngày 12/4, trên mảnh đất Phú Yên đầy nắng và gió, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, hầm đường bộ Đèo Cả đã tạo thêm một dấu ấn mới khi “khoác” lên mình tấm biển ghi danh: “Công trình tiêu biểu của ngành Xây dựng”. Thành tích này không đến một cách ngẫu nhiên, mà nó là sự kết tinh từ thành quả lao động ròng rã hơn bốn năm trời của hàng nghìn con người và sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những nhà lãnh đạo Đèo Cả. Bởi, để được lựa chọn, hầm Đèo Cả đã phải vượt qua nhiều tiêu chí khắt khe do cơ quan chủ trì đánh giá là Bộ Xây dựng đưa ra như: Là công trình trọng điểm quốc gia; công trình có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế - xã hội – môi trường; công trình có kỹ thuật phức tạp, công nghệ thi công tiên tiến; công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối và chất lượng cao được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá và chấp thuận kết quả nghiệm thu; công trình tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.

Muốn soi chiếu các tiêu chí lựa chọn với hầm Đèo Cả cần phải lật lại cả chặng đường từ lúc thai nghén đến khi hoàn thành công trình tầm cỡ nhất trên đường thiên lý Bắc - Nam này. Về chủ trương đầu tư, dự án hầm Đèo Cả đã được Chính phủ lên kế hoạch xây dựng từ năm 2001. Ban đầu, dự án dự định triển khai theo hình thức tổng thầu EPC, sử dụng nguồn vốn vay của các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, do gặp quá nhiều vướng mắc trong khâu huy động vốn và tổng mức đầu tư cao vọt, nên công trình đã phải trì hoãn gần chục năm. Đến năm 2011, Chính phủ chuyển hướng đầu tư dự án bằng nguồn vốn trong nước, cùng với đó là dùng nhà đầu tư, nhà thầu 100% trong nước, chỉ có tư vấn giám sát thuê của nước ngoài, trước bối cảnh đó, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư, với tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng.

"Việc làm hầm xuyên núi rất khó khăn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, tuy nhiên, các cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam đã hết sức nỗ lực, thực hiện dự án an toàn và rút ngắn được tiến độ. Đặc biệt, dự án này được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa nên đã không làm tăng nợ công, lại còn tiết giảm được hơn 3.600 tỷ đồng là rất đáng biểu dương."

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong chuyến thăm hầm Đèo Cả lần đầu vào cuối tháng 8/2016

Nhớ lại thuở ban đầu, PGS.TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư Đèo Cả đã giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho liên danh tư vấn: Egis (Cộng hòa Pháp) - Công ty CP Tư vấn xây dựng Hoàng Long - Công ty Tư vấn thiết kế cầu lớn hầm - Công ty Tư vấn kỹ thuật KG. Với những kinh nghiệm của đơn vị tư vấn hàng đầu châu Âu về thiết kế hầm đường bô, Egis đã cùng với các đơn vị tư vấn trong nước trong liên danh tập trung nghiên cứu, lựa chọn hướng tuyến tối ưu làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả.

“Hướng tuyến được chọn phải thỏa mãn đa tiêu chí như: Giá thành xây lắp, thời gian thi công, khả năng thi công, đảm bảo môi trường, công tác bảo trì hầm, phù hợp với người sử dụng, khả năng khai thác hầm trong tương lai”, ông Chủng nói và cho biết, đến năm 2013, nhà đầu tư Đèo Cả mời thêm tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản), đơn vị đã từng thiết kế hầm Hải Vân để triển khai các bước thiết kế sau thiết kế cơ sở của dự án.

Vượt qua giai đoạn thai nghén, để chuẩn bị triển khai thi công trên hiện trường, CEO Đèo Cả là ông Hồ Minh Hoàng tiến hành “săn” hàng loạt các chuyên gia giỏi đầu ngành, đội ngũ cố vấn cao cấp gồm những người nguyên là lãnh đạo các cơ quan chuyên về kinh tế, tài chính, an ninh, kiểm toán… Để đảm bảo triển khai dự án một cách minh bạch, công khai và kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những thiếu sót. Cùng với đó, công nghệ thi công hầm tại dự án được lựa chọn là phương pháp thi công hầm mới của Cộng hòa Áo (NATM). Đây là phương pháp thi công hầm rất linh hoạt và tiết kiệm chi phí hơn so với phương pháp thi công hầm cổ điển trước đây ở châu Âu. Tuy nhiên, phương pháp thi công hầm NATM cũng đòi hỏi thiết bị thi công chuyên biệt và nhân sự có kỹ năng trong công nghệ thi công hầm.

Trước đòi hỏi từ thực tiễn, nhà đầu tư đã lựa chọn những đơn vị có kinh nghiệm nhất nhì Việt Nam trong lĩnh vực đào hầm từng tham gia thi công hầm Hải Vân như: Lũng Lô, Sông Đà 10… làm các mũi tiên phong, đan xen một số nhà thầu phụ như: Quản Trung, Hải Thạch, Cầu đường Sài Gòn tạo thành lực lượng thi công thuần Việt dưới sự giám sát của các kỹ sư tư vấn giám sát từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, tháng 11/2012, công trình hầm đường bộ qua Đèo Cả chính thức được khởi công xây dựng, bắt đầu cuộc hành trình kéo dài hơn 1.000 ngày đêm chinh phục lòng đất. Không thể nào quên những ngày tháng gian nan, vất vả, ông Hoàng chia sẻ: “Nơi dự án triển khai có địa hình đặc biệt hiểm trở, ban đầu việc khảo sát tuyến hoàn toàn phải dựa vào đường mòn và đã tính đến phương án tháo rời máy móc để tập kết đến điểm thi công rồi mới lắp lại. Đặc biệt, thời tiết ở khu vực thi công rất khắc nghiệt, mùa nắng thì cháy da, mùa mưa lại xối xả, đất đá sạt trượt không thể thi công. Hơn nữa, địa chất khu vực qua hầm Đèo Cả rất phức tạp, đá mồ côi, đá lăn quá nhiều… ròng rã hơn 4 năm, các nhà thầu đều phải tổ chức thi công 3 ca liên tục, kể cả ngày lễ, Tết để đưa công trình về đích đúng tiến độ”.

Trong quá trình thi công, nhà đầu tư đã có quyết định tối ưu khi lựa chọn hướng tuyến giảm chiều dài hầm từ 5,7km xuống 4,3km, đồng thời tránh được vết đứt gãy tạo ra mạch nước ngầm gây nguy hiểm cho thi công. “Đây là những quyết định sáng suốt, tiết giảm được gần 4.000 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư ban đầu. Đặc biệt, trong suốt hơn 4 năm thi công đến khi hoàn thành, dự án không xảy ra một tai nạn nào”, ông Hoàng nói.

50

Hầm Đèo Cả được gắn biển công trình xây dựng tiêu biểu ngày 12/4/2018

Niềm tự hào của người Việt

Cuối tháng 8/2017, Đèo Cả - dự án hầm đường bộ có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ với chiều dài hơn 13km, trong đó hầm Đèo Cả dài hơn 4km, hầm Cổ Mã dài 500m và gần 10km cầu, đường dẫn. Công trình đưa vào khai thác đã rút ngắn khoảng cách quãng đường dài 21,4km bằng đường đèo xuống còn 13,19km đi qua hầm, thời gian di chuyển giảm từ 45 phút xuống còn hơn 10 phút. Đặc biệt, hầm Đèo Cả giúp nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông, phát triển KT-XH cho khu vực Nam Trung bộ, nhất là hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

"Khi mới khởi công xây dựng, nhiều ý kiến còn băn khoăn dự án sẽ được triển khai thế nào, có bảo đảm tiến độ hay không. Tuy nhiên, với sự vào cuộc gấp rút của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan, cùng với cốt lõi là tinh thần làm việc hăng say và trách nhiệm của cán bộ, công nhân thiết kế, thi công thì điều không thể đã trở thành có thể."

Ông Huỳnh Tấn Việt 
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nói tại lễ gắn biển công trình tiêu biểu cho hầm đường bộ Đèo Cả ngày 12/4/2018

Sau thành công tại dự án hầm đường bộ đầu tiên mang thương hiệu “Made in Vietnam”, Đèo Cả nhận được sự tin tưởng lớn của Chính phủ và các bộ, ngành khi tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” làm nhà đầu tư tại hai công trình hầm đường bộ lớn khác là dự án mở rộng đường bộ Hải Vân (tổng mức đầu tư gần 7.300 tỷ đồng) và dự án xây dựng hầm Cù Mông (tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng), đưa Đèo Cả trở thành “vua” hầm đường bộ tại Việt Nam.

Trong lần thứ hai trở lại thăm dự án vào giữa tháng 1/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và khen ngợi cán bộ, nhân viên Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã nỗ lực để hoàn thành hầm đường bộ Đèo Cả chất lượng, an toàn, đảm bảo kỹ thuật. Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của công trình hầm đường bộ đầu tiên do chính người Việt Nam thi công xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, đây là niềm tự hào của cả nước và đề nghị cán bộ, kỹ sư, người lao động của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt công tác thi công, quản lý, bảo trì, vận hành dự án. “Hầm Đèo Cả đi vào hoạt động vừa giúp đảm bảo ATGT cho các phương tiện, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa cũng như toàn bộ khu vực Nam Trung bộ”, Thủ tướng đánh giá.

Tại lễ gắn biển công trình xây dựng tiêu biểu cho hầm Đèo Cả hôm 12/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng đánh giá cao năng lực quản lý và triển khai dự án của nhà đầu tư, cũng như trình độ, khả năng thi công công trình có kỹ thuật cao, phức tạp của các nhà thầu Việt Nam tại dự án. Theo ông Hùng, công trình hầm Đèo Cả không chỉ có ý nghĩa về mặt KT-XH mà còn thể hiện sự trưởng thành rất lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt Nam, chứng minh năng lực đầu tư, thi công xây dựng và quản lý của các chủ thể tham gia dự án.

“Nhà đầu tư và các nhà thầu đã thi công vượt tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng và hoàn thành xuất sắc công trình, giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu tai nạn, xóa bỏ những điểm nguy hiểm ùn tắc khi lưu thông, xứng đáng là công trình chào mừng 60 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam”, ông Hùng đánh giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.