Liên quan đến vụ lấp hồ Đại Lải (Báo Giao thông đã có nhiều bài điều tra, phản ánh), ngày 5/8 vừa qua, ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký Quyết định số 1959 về việc đính chính Quyết định số 41 ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh (văn bản cũng do ông Giang ký - PV) về việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải.
Quyết định số 1959 nhằm đính chính thông số thiết kế cao độ san nền trong Quyết định 41. Toàn bộ nội dung chỉ xoay quanh việc điều chỉnh một thông số duy nhất: Thiết kế san nền được đẩy từ 17,65m ở Quyết định 41 lên 21,50m ở Quyết định đính chính số 1959.
Cần phải nói rõ, Quyết định 41 cho phép doanh nghiệp san nền thấp nhất 17,65m chính là cho phép doanh nghiệp đổ đất lấp lòng hồ Đại Lải (theo quy định của pháp luật là việc bị nghiêm cấm - PV).
Tuy nhiên, với quyết định đính chính, số liệu 17,65m được đẩy lên thành 21,50m (từ độ cao này được phép triển khai một số hoạt động xây dựng ven hồ - PV).
Lý giải về quyết định đính chính này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc viện dẫn ra nhiều quyết định tương tự, đưa ra cả ví dụ về việc khu đất bên cạnh là sân golf Đại Lải được san lấp trước đó có cao độ nền là 21,50m để chứng minh cho việc điều chỉnh.
Cuối cùng, một lý do “rất quen” được đưa ra là… lỗi đánh máy: “Do sơ suất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản nên cơ quan thẩm định đã trình vị trí này có cốt san nền 17,65m”.
Vụ việc ngang nhiên lấp hồ Đại Lải được dư luận đặc biệt quan tâm. Sau loạt bài điều tra của Báo Giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin báo nêu, xử nghiêm vi phạm (nếu có). Các Bộ Công an, NN&PTNT, TN&MT cũng đồng loạt vào cuộc.
Sau những động thái trên, những tưởng UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nghiêm túc xử lý vụ việc một cách khách quan, công tâm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị sai phạm.
Tuy nhiên, với quyết định đính chính lần này, dư luận không khỏi cảm thấy bất ngờ. Bởi nó giống như là “gỡ tội” cho người ký quyết định, đồng thời hợp pháp hóa việc lấp hồ của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam.
Trên thực tế, việc lấp hồ đã diễn ra 4 năm nay, có nghĩa là Quyết định số 41 đã gây ra hậu quả trên thực tế (hồ đã bị lấp với diện tích rất lớn) từ rất lâu. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả thế nào thì quyết định đính chính lại hoàn toàn không đề cập.
Chẳng hạn như diện tích hồ đã bị lấp có được khôi phục nguyên trạng hay không? Như vậy, việc sửa sai trên giấy tờ chỉ là để “làm sạch” hồ sơ của dự án chứ chẳng có ý nghĩa gì.
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để ban hành được Quyết định 41, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần trải qua rất nhiều bước, tham vấn ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn.
Việc “ghi nhầm” thông số cao độ san nền, để rồi từ đó doanh nghiệp vô tư đổ đất lấp hồ Đại Lải là một sai sót rất nghiêm trọng.
Luật sư cũng cho rằng, đến nay, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản đính chính cho rằng đó là “sự nhầm lẫn trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản” rất khó thuyết phục được dư luận.
Bởi về nguyên tắc, bất cứ ai vi phạm thì đều phải bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, chứ không phải đính chính là xong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận