Hàng loạt dấu hiệu khuất tất xảy ra tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên (Công ty Thủy lợi Phúc Yên) bị chính các cán bộ công ty tố cáo. Đây là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hồ Đại Lải - nơi đang xảy ra việc “xẻ thịt” lòng hồ mà Báo Giao thông đã nhiều lần phản ánh.
Công trình tiền tỷ cỏ mọc um tùm
Có mặt tại khu vực hồ Đại Lải (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), PV Báo Giao thông ghi nhận cảnh công trình thủy nông ở đây trong tình trạng thê thảm. Kênh chính số 2 hồ Đại Lải, chỉ có duy nhất Nhà vận hành cống số 2 hồ Đại Lải nằm chơ vơ trong trạng thái thiết bị đã han gỉ.
Phía kênh dẫn nước thì tràn ngập đất đá, cỏ dại mọc um tùm. Nếu không được giới thiệu, ít ai nghĩ đây là dự án trị giá gần 10 tỷ đồng với mục đích tiêu, thoát, lưu thông nước cho hồ Đại Lải do Công ty Thủy lợi Phúc Yên làm chủ đầu tư.
Tương tự, tại công trình trạm bơm Minh Tân ở xã Cao Minh, TP Phúc Yên, mặc dù được Công ty Thủy lợi Phúc Yên đầu tư xây dựng từ gần 10 năm trước nhưng theo lời của lãnh đạo xã Cao Minh thì: “Cái trạm bơm này chả mang lại hiệu quả gì”. Công ty Thủy lợi Phúc Yên không quan tâm đến trạm bơm Minh Tân, chỉ thuê một người dân địa phương phụ trách việc bơm nước cho người dân lúc cần.
Chỉ tay vào những khoảnh ruộng khô héo, nhiều chỗ cỏ dại mọc lấp đầy, một người dân địa phương than: “Gần chục năm nay, trạm bơm Minh Tân hoạt động không hiệu quả một chút nào, nhiều hộ do thiếu nước cấy đã bỏ ruộng hoang”.
Thế nhưng, theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc về việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Thủy lợi Phúc Yên, riêng từ năm 2016 đến năm 2019, Công ty Thủy lợi Phúc Yên đã chi hơn 8,628 tỷ đồng cho công tác sửa chữa thường xuyên, trong đó sửa chữa đột xuất 108 công trình với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, chống hạn 45 công trình hết hơn 2,065 tỷ đồng... Số tiền này chi cho hoạt động gì, bản thân người dân và chính quyền địa phương ở đây cũng không biết.
Bổ nhiệm PGĐ vì… “không ai nhận”
Theo đơn tố cáo kèm hồ sơ mà nhiều cán bộ Công ty Thủy lợi Phúc Yên gửi các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 8/2017, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty Thủy Lợi Phúc Yên đã cố tình bổ nhiệm ông Bùi Trung Kiên từ nhân viên Xí nghiệp Thiết kế trở thành Phó giám đốc phụ trách Xí nghiệp Xây dựng mà không theo quy trình nào.
Điều lạ lùng là ngay sau khi ông Bùi Trung Kiên được bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc Xí nghiệp Xây dựng, ông Chính đã ký hàng loạt hợp đồng nạo vét các công trình giá trị lớn như cải tạo hệ thống tưới tiêu, sửa chữa kênh mương nội đồng, nạo vét cửa khẩu, kênh dẫn… với ông Kiên. Các hợp đồng này đều sử dụng ngân sách Nhà nước và có nhiều dấu hiệu khuất tất.
Điển hình, tại Hợp đồng thi công số 04/HDCH giữa đại diện Công ty Thủy lợi Phúc Yên (do ông Nguyễn Đức Chính ký) với Xí nghiệp Xây dựng (do ông Bùi Trung Kiên ký), không có ngày tháng thể hiện bên A (Công ty Thủy lợi Phúc Yên) giao cho bên B (Xí nghiệp Xây dựng) tổ chức thi công nạo vét cửa khẩu, kênh dẫn, bể hút các trạm bơm phục vụ chống hạn vụ xuân.
Tổng giá trị hợp đồng lên tới hơn 375 triệu đồng. Tuy nhiên, trong các biên bản làm việc với cán bộ phụ trách địa phương, cán bộ phụ trách trạm bơm khẳng định từ nhiều năm nay không hề có hoạt động nạo vét.
Ông Ngô Văn Đông, Trạm trưởng Trạm bơm phường Nam Viên (TP Phúc Yên) khẳng định: “Từ đầu năm 2017 tới tháng 9/2018, trạm bơm trung tâm ở phường không nạo vét bao giờ.
Các trạm bơm khác như trạm Rạc, Đại Phùng, Voi Phục từ mấy năm nay cũng chưa bao giờ được nạo vét. Tuy vậy, từ tháng 5/2018 bỗng xuất hiện hợp đồng nạo vét các trạm bơm. Phải chăng đây là hình thức rút tiền ngân sách?”.
Tương tự, tại Hợp đồng số 41/2019 cũng do ông Nguyễn Đức Chính ký với ông Bùi Trung Kiên thực hiện nạo vét, khơi thông kênh Đầm Quận - Đạo Đức.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ công ty tố cáo kèm hình ảnh, clip thể hiện kênh này không được nạo vét, trên kênh toàn là cỏ dại nhưng hợp đồng này vẫn được nghiệm thu hoàn thành.
Trước những lùm xùm, khuất tất trong hoạt động của Công ty Thủy lợi Phúc Yên, ngày 2/7/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có công văn giao Chủ tịch Công ty Thủy lợi Phúc Yên giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc theo quy định.
Và sau 3 tháng lập đoàn kiểm tra, ông Đường Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty Thủy lợi Phúc Yên đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng. Theo báo cáo, Công ty Thủy Lợi Phúc Yên nêu lý do bổ nhiệm Phó giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Bùi Trung Kiên vì… không ai chịu nhận chức danh này, trừ ông Kiên(?).
Về những tố cáo ông Nguyễn Đức Chính vi phạm nghiêm trọng hoạt động đầu tư xây dựng, có dấu hiệu của việc chiếm đoạt hàng tỷ đồng ngân sách, báo cáo của Công ty Thủy lợi Phúc Yên chỉ nêu ngắn gọn: Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc thanh tra, do đó đoàn kiểm tra của Công ty không thực hiện xác minh nội dung này.
Nhằm tìm hiểu thông tin từ Công ty Thủy lợi Phúc Yên, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công ty này nhưng đều không nhận được câu trả lời.
Quản lý hồ nhưng không biết hồ rộng bao nhiêu
Thời gian qua, Báo Giao thông liên tiếp đăng loạt bài điều tra về việc san đồi lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng.
Loạt bài viết phản ánh tình trạng thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp tiến hành bạt cả quả đồi, lấp hồ Đại Lải với diện tích khổng lồ lên tới vài chục ha. Đáng ngạc nhiên là việc lấp hồ lại được sự cho phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Công ty Thủy lợi Phúc Yên chính là đơn vị được giao quản lý, khai thác hồ Đại Lải. Tuy nhiên, quá trình làm việc với lãnh đạo Công ty này, chúng tôi nhận thấy, dù trực tiếp quản lý hồ nhưng lãnh đạo Công ty không biết thực tế hồ rộng bao nhiêu; hồ bị xâm hại với quy mô lớn nhưng không có động thái gì để bảo vệ.
Thậm chí, khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao trách nhiệm cho Công ty tiến hành khảo sát đo đạc, cắm mốc giới hồ Đại Lải thì doanh nghiệp này cũng tìm mọi lý do để chần chờ trong việc thực hiện.
Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc nhiều lần có văn bản đôn đốc, Công ty Thủy lợi Phúc Yên nhiều lần không thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.
Sau khi báo đăng, Tổng cục Thủy Lợi và Cục Cảnh sát môi trường thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực tế tại hồ Đại Lải.
Đến ngày 14/7/2020, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin Báo Giao thông nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp đó, ngày 7/8, Tổng cục Quản lý đất đai thành lập đoàn kiểm tra xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, tới nay việc xử lý hiện trạng hồ Đại Lải bị san lấp vẫn chưa được thực hiện triệt để.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận