Mới là bước khởi đầu
Thông tin CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia (mới thành lập ngày 22/4/2019 với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng) đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air, đồng thời cũng đổi luôn ngành nghề kinh doanh chính từ bất động sản sang vận tải hành khách hàng không khiến nhiều người nghĩ đến việc một hãng hàng không mới sắp ra đời.
Trong trường hợp Vinpearl Air thực sự muốn “cất cánh”, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Hay nói cách khác, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ là bước khởi đầu trong chặng đường rất dài phía trước.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, cơ quan này chưa nhận được bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc xin cấp phép bay của Vinpearl Air. Thông tin thêm, ông Cường cho rằng, nếu thực sự muốn “cất cánh”, Vinpearl Air không cách nào khác cũng phải làm tất cả các bước mà Bamboo Airways - hãng hàng không vừa có chuyến bay thương mại đầu tiên hôm 16/1/2019 đã phải trải qua.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Đầu tư, Vinpearl Air sẽ phải nộp đề xuất dự án vận tải hàng không tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - nơi doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh. Nếu Sở này đồng thuận sẽ tiếp tục đưa lên Bộ KH-ĐT xem xét, thẩm định trước khi trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Sau bước này, Vinpearl Air sẽ tiếp tục phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không tới Cục Hàng không VN.
Làm gì để rút ngắn thời gian?
“Để rút ngắn thời gian, Vinpearl Air hoàn toàn có thể tìm hiểu quy định và chuẩn bị sẵn hồ sơ. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, hồ sơ sẽ được nộp ngay tới Cục Hàng không VN”, một chuyên gia vận tải hàng không cho hay.
Bộ GTVT sẽ là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đáp ứng các điều kiện về vốn; phương án đảm bảo có tàu bay khai thác tổ chức bộ máy; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định 92 về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng; đồng thời phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không quy định tại Nghị định 30 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Ngay cả khi có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vinpearl Air vẫn sẽ cần có thêm chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận