Y tế

Virus Corona lây qua "bụi mịn": Chuyên gia y tế, môi trường nói gì?

09/02/2020, 13:30

Theo các chuyên gia y tế, môi trường Việt Nam, nói virus Corona có thể lây lan qua "aerosol", phải hiểu là "khí dung" chứ không phải "bụi mịn".

img
Theo các chuyên gia y tế, môi trường Việt Nam, nói virus Corona có thể lây lan qua "aerosol", phải hiểu là "khí dung" chứ không phải "bụi mịn". Thực hiện khí dung luôn phải tuân thủ quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn (Ảnh: Nguyên Mi)

Aerosol: "Bụi mịn" hay "khí dung"?

Nhiều người dân một lần nữa lo lắng trước thông tin từ cuộc họp báo ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 8/2, cho biết: Các chuyên gia y tế và phòng ngừa dịch đã xác định virus Corona chủng mới (nCoV) có thể lây qua aerosol - lược dịch là "bụi khí", "bụi mịn", "không khí"...

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Nếu trong chuyên ngành môi trường, trong không khí, aerosol được hiểu là bụi mịn. Còn aerosol có được hiểu là khí dung hay không thì phải hỏi người bên ngành y tế.

"Tôi có đọc thông tin này và tôi nghĩ rằng phải hỏi người phát biểu thông tin đó. Nhưng theo tôi hiểu cái này (virus Corona - PV) có thể lây khi khí dung bịt mặt nạ để hỗ trợ hô hấp mà có dùng chung; Còn nếu chỉ đi qua bụi mịn mà lây thì rất khó. Rất có thể với bác sĩ, khi nói aeresol là họ nó đến khí dung chứ không nói đến bụi mịn. Từ đó rất có thể bên y tế họ dùng với nghĩa khí dung", ông Tùng nói.

Trước thông tin này, BS. Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Cần hiểu đúng aerosol là một phương pháp chữa bệnh với tên gọi khí dung, chứ không phải bụi khí hay không khí như mọi người vẫn nghĩ. Khí dung là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí – phế quản, viêm mũi xoang,... Khi xông hơi, thuốc dưới dạng sương do máy tạo ra sẽ được đẩy bám dính vào lớp lông chuyển trên niêm mạc đường hô hấp. Nhờ đó, thuốc sẽ tác động trực tiếp lên những vị trí bị viêm nhiễm".

Khí dung không sử dụng đúng, lây nhiễm cho cả người bệnh và nhân viên y tế

Nhận định về nguy cơ lây nhiễm qua khí dung, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết: Nếu như chỉ một người dùng riêng một bầu khí dung thì không sao; Nhưng 2 người dùng chung sẽ bị lây bệnh. Do vậy cần hạn chế khí dung, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Khi khí dung phải tuân thủ quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn bởi virus sẽ còn tồn tại trong bầu khí dung, máy và bề mặt vật dụng quanh người bệnh. Nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc bề mặt, không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả nhân viên y tế làm thủ thuật này.

Trước đó, báo chí Trung Quốc đã đưa tin về việc Ủy ban Y tế Thượng Hải bổ sung "khí dung" vào danh sách các đường lây truyền virus Corona mới 2019-nCoV, tuy nhiên điều này vẫn chưa được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.

Hiện WHO vẫn đưa ra khuyến cáo về việc lưu ý hàng đầu đến 2 con đường lây nhiễm chính của virus nCoV là qua các giọt bắn từ đường hô hấp con người và bề mặt bị ô nhiễm. Các yếu tố này có thể phòng bằng cách tránh nơi đông người, giữ môi trường thông thoáng và rửa tay...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.