Bộ Y tế nâng mức cảnh báo phòng chống virus Zika tại Việt Nam |
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện cơ quan này chưa thể khẳng định chắc chắn sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam, do chưa có đầy đủ thông tin từ về trường hợp người Úc lưu trú tại Việt Nam cũng như chưa loại trừ được các khả năng người này nhiễm virus Zika do quá cảnh ở các nước khác trước và sau khi rời Việt Nam.
Tăng cường giám sát cộng đồng
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ phía Úc về 1 ca nhiễm virus Zika đã từng lưu trú tại Việt Nam trước khi về nước, Bộ Y tế đã có đoàn kiểm tra giám sát tình hình tại 4 địa phương được xác định du khách Úc từng lưu trú. Cụ thể là các điểm: TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã đề nghị Khánh Hòa nâng mức cảnh báo dịch bệnh Zika từ chưa có ca nhiễm lên mức độ đã có ca nhiễm (mức độ 2). Đồng thời triển khai đồng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Zika theo quy định. Tăng cường giám sát, lấy mẫu ở các bệnh viện, khu du lịch và cộng đồng xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ để khoanh vùng, chữa bệnh sớm. BV đa khoa Khánh Hòa cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh do virus Zika, lập đường dây nóng 1900-9095 sẵn sàng tiếp nhận các thông tin, phòng chống dịch bệnh do virus Zika gây ra.
Một đoàn kiểm tra khác của Bộ Y tế cũng đã có mặt tại Bình Thuận. Theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch; chỉ đạo các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang hỗ trợ công tác khám, xét nghiệm người dân có triệu chứng nghi ngờ tại các địa phương nơi người Úc này từng đến. Đồng thời, ngành Y tế sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.
Có dấu hiệu nghi ngờ nên đến ngay cơ sở y tế
Ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, những người nghi nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhất. Với những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết và có kết quả xét nghiệm âm tính cũng cần phải nghĩ ngay tới khả năng nhiễm virus Zika.
Hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ có thêm hai phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của BV Bệnh Nhiệt đới TƯ và BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
“Bất kỳ cơ sở y tế nào có trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika cần liên lạc ngay với các phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế chỉ định”, ông Phu cho biết.
Theo khẳng định của PGS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, hiện Việt Nam đủ năng lực chẩn đoán virus Zika nên người dân không quá lo sợ.
Còn theo ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương, BV Đa khoa Medlatec, triệu chứng ở người bệnh bị nhiễm virus Zika rất giống với sốt xuất huyết như: sốt, đau cơ, mỏi người... Tuy nhiên biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết thường nặng hơn, có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, thậm chí có thể tử vong nếu chậm phát hiện và điều trị. Còn bệnh nhân nhiễm virus Zika lại thường biểu hiện rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. “Virus Zika không trực tiếp gây ra tử vong và chưa có kiểm định rõ ràng, nhưng có mối tương quan lớn đối với hội chứng não nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Do vậy, đặc biệt lưu ý đến các trường hợp thai phụ nhiễm virus này. Hiện cũng chưa có vaccine phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị”, bà Hương cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận