VN-Index vượt 1.300 điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, VN-Index chính thức vượt mốc 1.300 điểm nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu chứng khoán cùng với tín hiệu tích cực từ nhóm cổ phiếu thép.
Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.304,56 điểm, tăng 0,6% so với tham chiếu, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang lạc quan hơn sau giai đoạn giằng co trước đó.
Nhóm cổ phiếu thép trở thành tâm điểm của thị trường khi đồng loạt tăng mạnh, nhiều mã thậm chí chạm mức trần.
Đáng chú ý, TLH (Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên) và VCA (CTCP Thép VICASA – VNSTEEL) kết phiên trong sắc tím, tăng lần lượt 6,8% và 6,79%, đạt mức giá 4.870 đồng/cổ phiếu và 11.800 đồng/cổ phiếu. Cả hai cổ phiếu này đều rơi vào tình trạng trắng bên bán, cho thấy lực cầu áp đảo hoàn toàn và sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.

Dẫn đầu về thanh khoản phiên 24/2 là HPG với gần 74 triệu đơn vị được khớp lệnh. Ảnh: Hòa Phát.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành như HPG (Tập đoàn Hòa Phát) và HSG (Tập đoàn Hoa Sen) cũng có diễn biến tích cực, hưởng ứng đà tăng chung của nhóm thép. HPG ghi nhận mức tăng 4,73%, đóng cửa phiên sáng ở mức 27.700 đồng/cổ phiếu.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch, HPG từng có thời điểm tăng kịch trần lên mức 28.300 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh nhẹ. Trong khi đó, HSG cũng tăng 1,99%, chốt phiên sáng tại 17.900 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ HPG và HSG, hàng loạt cổ phiếu thép khác như NKG, TVN, GDA, VGS cũng giao dịch khởi sắc với mức tăng đáng kể, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực lên toàn ngành. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu thép có thị giá thấp, dưới mệnh giá (dưới 10.000 đồng/cổ phiếu), như HSV, TIS, SMC và TLH cũng thu hút dòng tiền, giao dịch sôi động trong phiên.
Thanh khoản của nhóm ngành thép ghi nhận sự bùng nổ ấn tượng. Dẫn đầu về thanh khoản là HPG với gần 74 triệu đơn vị được khớp lệnh, vượt mức giao dịch cao nhất trong những tháng gần đây (hơn 61 triệu đơn vị trong phiên 10/2). Tiếp theo là HSG với hơn 11 triệu đơn vị và NKG với hơn 10,8 triệu đơn vị được sang tay.
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu thép trong phiên hôm nay phần nào phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng phục hồi của ngành thép trong thời gian tới. Trong bối cảnh thị trường chung vẫn còn nhiều biến động, việc nhóm thép bứt phá mạnh có thể đóng vai trò dẫn dắt xu hướng và tạo điểm tựa cho VN-Index duy trì trên ngưỡng 1.300 điểm trong các phiên tới.
Tin vui cho cổ phiếu thép
Các diễn biến trong phiên giao dịch ngày 24/2 của nhóm cổ phiếu thép diễn ra ngay sau khi Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 21/2, với hiệu lực từ ngày 8/3/2025.
Theo quyết định này, mức thuế tạm thời áp dụng cho các sản phẩm HRC bị điều tra dao động từ 19,38% đến 27,83%, với thời hạn áp dụng kéo dài 120 ngày kể từ khi có hiệu lực.
Theo đánh giá của Chứng khoán VPBank (VPBankS), việc áp thuế chống bán phá giá đối với HRC là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước như Hòa Phát và Formosa.
Nguyên nhân là do mức thuế được công bố cao hơn đáng kể so với mức chênh lệch giá thông thường giữa HRC Việt Nam và HRC Trung Quốc, vốn dao động khoảng 15-45 USD/tấn (tương đương 2,9-9%).

Bộ Công thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Với mức thuế từ 19,38% đến 27,83%, VPBankS nhận định sản lượng tiêu thụ HRC của Hòa Phát và Formosa có thể gia tăng đáng kể, khi hiện tại, hai doanh nghiệp này mới chỉ đáp ứng được khoảng 39% nhu cầu thị trường.
Theo báo cáo từ Tập đoàn Hòa Phát, tổng sản lượng HRC trong nước năm 2024 đạt 6,58 triệu tấn, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng HRC nhập khẩu lại tăng mạnh, lên hơn 12 triệu tấn, tăng 30% so với năm 2023.
Riêng Hòa Phát đóng góp 44,5% lượng HRC nội địa, đạt 2,93 triệu tấn, nhỉnh hơn gần 5% so với năm trước. Đáng chú ý, tập đoàn này đang chuẩn bị đưa vào vận hành thử nghiệm phân kỳ 1 của dự án Dung Quất 2, giúp nâng công suất sản xuất HRC lên 6,8 triệu tấn/năm, tăng 70% so với công suất hiện tại.
Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG), vốn phụ thuộc lớn vào nguồn HRC nhập khẩu, có thể chịu tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, VPBankS cho rằng các công ty này đã chủ động giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa nguồn cung HRC. Ngoài ra, báo cáo tài chính quý IV/2024 của các doanh nghiệp này cho thấy giá trị tồn kho nguyên vật liệu cùng hàng mua đang vận chuyển cao hơn mức trung bình, cho thấy động thái tích trữ HRC trước khi quyết định áp thuế chống bán phá giá được công bố.
Do đó, trong ngắn hạn, tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp tôn mạ có thể không quá lớn. Tuy nhiên, về dài hạn, nhóm doanh nghiệp này có thể phải chấp nhận sử dụng HRC nội địa hoặc nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc, với mức giá HRC cao hơn so với trước đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận