Trưởng Ban An toàn chất lượng và an ninh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) Phạm Chí Cương cho biết, lần đầu tiên sau 3 năm triển khai vận hành hệ thống quản lý an toàn (SMS) do VNA tự xây dựng (bắt đầu từ năm 2010) về tổng thể đã đáp ứng được toàn bộ các quy định của ICAO.
Hệ thống SMS của VNA bao gồm 4 thành phần: Chính sách và các mục tiêu an toàn; Quản lý rủi ro an toàn; Đảm bảo an toàn và Đẩy mạnh an toàn. Các mục tiêu này được giám sát thông qua hoạt động của khai thác bay (SAG1), kỹ thuật (SAG2), khai thác mặt đất (SAG3). Theo quy định bắt buộc của SMS, để đánh giá hiệu quả của hệ thống quản lý an toàn, VNA đã xây dựng bộ chỉ số an toàn nhằm đo lường và đánh giá mức độ hoạt động của hệ thống.
Qua 3 năm đầu tiên "đi tắt đón đầu" xây dựng bộ chỉ số an toàn quản lý và khai thác tàu bay, VNA đã giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn đường hạ cất cánh |
Trên cơ sở tổng hợp và phân tích các sự cố bắt buộc phải báo cáo Cục HKVN theo Nghị định 75 cho thấy, mặc dù tần suất khai thác trong 3 năm đầu tiên (2010 - 2013) tăng 20%, đội máy bay của VNA tăng lên trên 80 tàu bay, thì số sự cố trên 1.000 chuyến bay giảm từ 3,85 năm 2010 xuống 1,88 năm 2011, xuống 1,29 năm 2012 và xuống còn 1,23 năm 2013. Phân tích theo từng lĩnh vực cho thì tỷ lệ sự cố cũng có xu hướng giảm. Nổi bật nhất là lĩnh vực kỹ thuật, tỷ lệ sự cố /1.000 chuyến bay chậm giảm mạnh từ 2,39 năm 2010 xuống còn 0,67 năm 2013.
Theo đánh giá của Cục HKVN qua sơ kết 3 năm (2010- 2013) về công tác an toàn - chất lượng tàu bay và khai thác tàu bay cho thấy, việc đảm bảo an toàn lĩnh vực khai thác tàu bay của VNA có chiều hướng chuyển biến rõ rệt sau khi hệ thống phân tích dữ liệu bay (LOM-AGS) được VNA đưa vào áp ụng. Tỷ lệ số vụ trên 1.000 chuyến bay Level 3 (mức độ tiềm ẩn cao) giảm mạnh từ 14,35 vụ việc/1.000 chuyến bay trong năm 2010 xuống còn 1,70 vụ việc trong năm 2012 và giảm mạnh chỉ còn 1,04 vụ việc trong năm 2013. Tỷ lệ các vụ việc Level 2 (mức độ tiềm ẩn trung bình) và Level 1 (mức độ tiềm ẩn thấp) đều có xu hướng giảm sâu.
“Tỷ lệ các vụ việc tiếp cận không ổn định (Unstabilized Approach) có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn (Level 3) từ năm 2010 đến nay cũng có xu hướng giảm mạnh, giảm từ 5,80 vụ việc/1.000 chuyến bay năm 2010, năm 2013 không còn vụ nào. Một con số khá bất ngờ và đáng khích lệ. Tỷ lệ các vụ việc tiếp cận không ổn định Level 2 và Level 1 càng giảm nhiều”- Phó tổng Giám đốc VNA Lê Hồng Hà cho biết.
Tàu bay của VNA luôn giảm thiểu các chuyến bay Divert do thời tiết |
Điều đáng nói là, ngày 5/3/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT có Quyết định số 349/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt chương trình an toàn đường hạ cất cánh, nhưng trước đó, VNA đã “đi tắt đón đầu” bằng việc tiến hành quản lý các nguy cơ gây mất an toàn đường cất hạ cánh từ tháng 11/2012. VNA đã thông qua các cuộc họp của Tổ công tác an toàn khai thác bay (SAG1) để xem xét toàn bộ các yếu tố có nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống khai thác bay, bao gồm: quản lý, giảm thiểu các chuyến bay Divert do thời tiết; quản lý các trang thiết bị trong sân đỗ vận hành và tiếp cận sai quy trình, quy định; vật ngoại lai ngoài sân đỗ có nguy cơ gây mất an toàn tàu bay; việc quản lý các chuyến bay tiếp cận không ổn định dưới 1.000 feet...
“Từ khi VNA tiến hành quản lý các nguy cơ gây mất an toàn đường cất hạ cánh, đã giảm thiểu được đáng kể các nguy cơ cao và duy trì phần lớn các chỉ số rủi ro ở vùng xanh (vùng chấp nhận được)”- Phó Cục trưởng Cục HKVN Đinh Viết Thắng nhận định.
Dương Hằng Nga
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận