Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình vừa ra Quyết định truy nã Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", SN 1971, chồng bị can Nguyễn Thị Dương) do bỏ trốn khỏi địa phương.
Sáng 11/4, Công an tỉnh Thái Bình chính thức có thông tin đã bắt được bị can Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) vào lúc 21h tối ngày 10/4 khi đối tượng có lệnh truy nã này lẩn trốn tại tỉnh Hà Nam. Trong quá trình bắt giữ, đối tượng Đường khá ngoan ngoãn, không chống đối gì và chấp hành theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Trước đó, ngày 7/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Dương (SN 1980 trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) và 2 đối tượng khác gồm: Nguyễn Đức Mạnh (SN 1992 trú tại tổ 6, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình) và Phạm Ngọc Quý (SN 2003 trú tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) để điều tra về hành vi gây thương tích cho anh Trịnh Ngọc Anh (SN 1996 trú tại xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, Thái Bình).
Sau khi vợ chồng đại gia Đường Dương bị bắt, người dân trong tỉnh Thái Bình đặt câu hỏi, trường hợp cơ quan điều tra kết luận các bị can trên có hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo thông tin từ cơ quan điều tra thì hành vi của bị can Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương cùng hai bị can khác trong vụ án đã có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, cơ quan công an sẽ làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hai hành vi này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, với thương tích trên 11% khiến nạn nhân bị vỡ xương hàm, dập mũi là hậu quả nghiêm trọng nên có căn cứ để xử lý những người đã gây thương tích cho nạn nhân về tội cố ý gây thương tích. Còn đối với hành vi bắt giữ người trái pháp luật cũng sẽ xem xét đủ dấu hiệu cấu thành của tội danh này hay không, nếu đủ căn cứ xác định có hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì sẽ bị xử lý thêm về tội danh này.
Trao đổi về việc trùm giang hồ Đường Nhuệ bỏ trốn liệu có phải tình tiết tăng nặng? Luật sư Cường cho rằng, tâm lý chối tội, trốn tránh là tâm lý “bẩm sinh” của tội phạm. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người phạm tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Đồng thời, quy định việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả là các tình tiết có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Đối với tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2, điều 134 Bộ luật hình sự mà các bị can trong vụ án này đã bị khởi tố, vợ chồng Đường “Nhuệ” và các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù. Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, khi bị Toà án kết tội thì có thể phải chịu mức án cao nhất là 6 năm tù.
Điều 157, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm tùy theo mức độ phạm tội.
Tuy nhiên, hình phạt cũng chỉ được đặt ra khi tòa án tuyên bố bị cáo có tội, phạm vào một trong các tội danh mà Bộ luật hình sự đã quy định. Trong trường hợp tòa án tuyên bố không có tội thì hình phạt sẽ không được đặt ra hoặc tòa án cũng có thể miễn hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt.
Hiện, Cơ quan Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, dư luận người dân ở Thái Bình đang rất quan tâm đến vụ án này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận