Vô cớ bị tẩy chay, doanh nghiệp nói gì?
Hàng loạt doanh nghiệp mới đây bỗng nhiên hứng phải "tay bay vạ gió" khi một số "hot facebooker", trong đó dẫn đầu là tài khoản B.H đứng ra hô hào, kêu gọi mọi người tẩy chay sản phẩm, thương hiệu của họ.
"Chiến dịch tẩy chay" bắt nguồn từ việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng có phát ngôn thể hiện sự ngông cuồng, phản cảm trong quá trình tranh cãi với doanh nhân L.H.A khi chị này đăng một bức ảnh anh chụp chung với ông Nguyễn Hữu Linh - người vừa bị khởi tố về hành vi dâm ô với trẻ em dưới 16 tuổi. Sau khi bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã xoá bài viết này. Doanh nhân L.H.A sau đó cũng có ý chấm dứt tranh cãi với ca sỹ khi nhắn nhủ với những người ủng hộ mình rằng "bỏ qua".
Tuy nhiên, nhiều tài khoản facebook không "bỏ qua" câu chuyện này. "Sáng giờ tôi đã tập hợp danh sách các nhãn hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp dùng Đàm Vĩnh Hưng làm đại diện hình ảnh, đại sứ thương hiệu. Các doanh nghiệp nên ngưng sử dụng hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng trước khi bị tẩy chay hoặc bị tôi bóc phốt", tài khoản B.H nhắn nhủ trên trang cá nhân. Cùng đó, chị này cũng nhanh chóng công bố một số thương hiệu như hãng hàng không, hãng sơn, ngân hàng... "Phong trào" tẩy chay này cũng được số tài khoản facebook khác ủng hộ.
Trước luồng dư luận này, hãng hàng không Bamboo vội vã ra thông báo Đàm Vĩnh Hưng không phải là đại sứ thương hiệu của họ. Một doanh nghiệp khác tuyên bố: "Những phát ngôn của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng không đại diện cho hãng này, nên hành vi kêu gọi tẩy chay sản phẩm của họ là không thể chấp nhận được". Doanh nghiệp này cũng khẳng định không gỡ bỏ hay chấm dứt hợp đồng hình ảnh liên quan đến Đàm Vĩnh Hưng".
Một số doanh nghiệp còn lại chọn sự im lặng. “Chúng tôi đang cân nhắc phương án xử lý nên chưa thể nói gì về điều này”, đại diện một thương hiệu lớn cho biết.
Có thể xử lý nếu phát hiện mục đích cạnh tranh không lành mạnh
"Doanh nghiệp cần và nên làm gì trong trường hợp này?", PV Báo Giao thông đặt câu hỏi với đại diện một số cơ quan quản lý, chuyên gia thương hiệu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, người tiêu dùng có quyền lên tiếng về việc tẩy chay nhãn hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp có bằng chứng chứng minh đằng sau lời kêu gọi tẩy chay là mục đích cạnh tranh không lành mạnh, cơ quan quản lý có thể vào cuộc và xử lý.
Dưới góc độ chuyên gia thương hiệu, ông Nguyễn Bá Ngọc nhận định, các doanh nghiệp đều phải chấp nhận rủi ro khi lựa chọn đại sứ thương hiệu để quảng bá cho sản phẩm của mình. “Nhiều bài học cho thấy, nhãn hiệu phải gánh chịu những rắc rối không đáng có do chính đại sứ thương hiệu gây ra. Cách hạn chế rủi ro là phải có điều khoản ràng buộc khi ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với người được lựa chọn làm đại sứ thương hiệu. Theo đó, dữ liệu tất cả tình huống đã và có thể xảy ra đều phải được xem xét đưa vào hợp đồng để xử lý trong những trường hợp phát sinh. Trong trường hợp nghiêm trọng, doanh nghiệp có thể đơn phương dừng hợp đồng”.
Cũng theo ông Ngọc, không phải scandal nào của đại sứ thương hiệu cũng khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng xấu.
“Nếu trong cuộc tranh cãi mà nhãn hiệu chỉ là đối tượng ở giữa thì họ sẽ thường được lợi khi “nổi tiếng miễn phí”. Cũng không ngoại trừ trường hợp kịch bản truyền thông cố ý tạo ra những scandal để tăng lượng chú ý. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chẳng khác nào con dao hai lưỡi, đặc biệt khi doanh nghiệp dính tới tiêu cực lại càng dễ bị “ăn đòn” ngược lại”, ông Ngọc nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận