An ninh hình sự

Vô cớ đánh người, đốt xe: Làm gì để ngăn thông tin thất thiệt?

25/07/2017, 07:35

Liên tiếp các vụ vô cớ đánh người, đốt xe gần đây khiến dư luận hoang mang.

18

Hai phụ nữ đi bán tăm từ thiện bị đánh oan vì người dân nghi ngờ bắt cóc trẻ em

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc số đông hành động theo cảm tính, bất chấp pháp luật cũng là bởi một phần thông tin trên mạng xã hội hiện nay khó kiểm soát, trong đó có những thông tin thất thiệt, kích động.

Vô cớ đánh người lạ vào làng

Chiều 24/7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết, đã chuyển vụ việc Phạm Thị Mùi (SN 1990, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội, HKTT ở Nho Quan, Ninh Bình) cho Công an quận Thanh Xuân xử lý theo thẩm quyền. Phạm Thị Mùi được xác định là người đã tung tin thất thiệt máy bay rơi ở sân bay Nội Bài vào ngày 20/7. Bước đầu, Mùi thừa nhận lấy hình ảnh máy bay rơi từ một tài khoản facebook khác và chia sẻ trên facebook của mình, kèm theo địa chỉ ở sân bay Nội Bài để mọi người tin tưởng. Cảnh sát cho biết, việc tung tin thất thiệt này có dấu hiệu vi phạm Điều 66 của Nghị định 174, mức xử phạt hành vi này từ 10 - 20 triệu đồng.

Cùng ngày, Công an huyện Sóc Sơn cũng đã triệu tập một số đối tượng liên quan đến vụ hai phụ nữ bán tăm bị đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em. Ngày 22/7, tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, chị Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) và chị Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), đều là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức, đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình bán tăm bông để gây quỹ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, một người dân đã vu cho hai người này bắt cóc trẻ em và hô hoán. Lập tức, hàng chục người dân lao vào đấm đá túi bụi khiến cả hai xây xát, chảy rất nhiều máu. Công an huyện Sóc Sơn sau đó xác định chị Bảy và chị Phúc không có hành vi bắt cóc trẻ em.

Trước đó, khoảng 18h chiều 20/7, anh Trịnh Mạnh Hải (SN 1980, ở La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên), Giám đốc kinh doanh Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi DANBREDS đi ô tô Fortuner BKS 34A-121.79 của Công ty từ TP Hải Dương về nhà vợ ở xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) chơi. Khi đi qua cửa hàng bán đồ gỗ ở gần ngã ba thôn Đồng Hởi (xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà), do có nhu cầu mua đồ gỗ, anh Hải dừng xe xuống xem. Tuy nhiên, tại đây, anh Hải bị vu là dùng thuật “thôi miên” nên đã bị khoảng 1.000 người dân tụ tập đốt xe và đòi đánh. Cảnh sát sau đó loại trừ việc anh Hải thôi miên, chiếm đoạt tài sản hay bắt cóc trẻ em như đồn đoán.

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 (Công an TP Hà Nội), thời gian qua, phòng đã xác minh, xử lý nhiều vụ tung tin thất thiệt. Điểm chung là những người tung tin thích đưa thông tin giật gân để thu hút sự quan tâm của xã hội mà không ý thức được hệ lụy của việc này. “Việc tung tin thất thiệt khiến người dân hoang mang, không biết đâu mà lần nên họ sẵn sàng nghi ngờ tất cả, điều này rất nguy hiểm”, Thượng tá Hằng nói và khuyến cáo người dùng mạng xã hội cần có ý thức, trách nhiệm với thông tin mình đưa ra. Nếu gây hậu quả, chắc chắn sẽ bị xử lý đích đáng.

Chia sẻ thông tin phải có trách nhiệm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử cho biết, về chế tài xử lý người tung tin thất thiệt trên mạng xã hội, hiện đã có Nghị định 174 quy định xử lý hành chính. Còn đối với những vụ mà mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (chẳng hạn như vụ tung tin máy bay rơi ở Nội Bài) có thể xử lý hình sự theo quy định của BLHS. “Hiện nay có tình trạng một số người kinh doanh trên facebook muốn câu view, câu like, muốn thu hút nhiều người theo dõi nên đã tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Có trường hợp mức độ nhẹ như tung tin câu view để kinh doanh, nhưng cũng có chuyện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác như tung tin bắt cóc trẻ em, dẫn đến hậu quả nhiều trường hợp người dân hoang mang, nghi ngờ và đánh người vô tội. Trường hợp đó hoàn toàn có thể xử lý hình sự”, ông Do cho biết.

Xử án điểm để răn đe Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn luật sư TP Hà Nội), thực tế đối với những vụ đưa các thông tin thất thiệt lên trên mạng xã hội cho thấy, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn nhiều bất cập. Nhiều người sẵn sàng hành xử một cách thiếu hiểu biết, tự biến mình thành tội phạm. Việc đánh người, đốt xe rõ ràng đã phạm vào tội cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản. Bởi vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật, phải xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm để răn đe, cảnh báo. Cần thiết có thể xử án điểm đối với những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng.

Văn Huế

“Hiện, Bộ TT&TT có cơ chế phối hợp với Bộ Công an xử lý những trường hợp trên. Vì trên mạng xã hội, ngay cả khi họ khai đúng tên thật thì cũng khó xác định địa chỉ, hoặc xác định được rồi họ không nhận nên cần có sự phối hợp giữa hai bộ”, ông Do thông tin và cho rằng, xử phạt răn đe chỉ là giải pháp tình thế, còn giải pháp lâu dài cần sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, các tổ chức đoàn thể.

Về phía Bộ TT&TT cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, người dùng mạng xã hội, trong đó đặc biệt tuyên truyền về 3 trách nhiệm cho người sử dụng mạng xã hội: Trách nhiệm phát ngôn phải chuẩn mực, đưa quan điểm, thông tin có tính chính xác, tin cậy chứ không đưa tin bịa đặt nhằm mục đích xấu. Thứ hai, là trách nhiệm khi chia sẻ thông tin phải có kiểm chứng, có sự hồ nghi với việc có thể ảnh hưởng đến người khác. Thứ ba, là phải có trách nhiệm đấu tranh, phản bác những thông tin sai sự thật, có thể gây hại cho người khác, cho cộng đồng.

Th.s. tâm lý Nguyễn Hà Thành (giảng viên trường ĐH FPT) cho rằng, những vụ việc đánh người vô cớ như vừa qua bắt nguồn từ những thông tin trước đó cho rằng có hiện tượng bắt cóc trẻ em, mổ lấy nội tạng... làm cho người dân trở nên quá cảnh giác và kể cả khi có thông tin chưa kiểm chứng, họ cũng sẵn sàng hành xử trong tâm thế không còn lý trí. “Nguyên nhân của tình trạng này là do hàng ngày mọi người tiếp nhận rất nhiều luồng thông tin, những thông tin xấu - những thông tin khiến họ cảm thấy bất an, phải phòng ngừa. Những thông tin này khiến nhiều người ấn tượng và ghi nhớ. Do đó, khi có bất kỳ tín hiệu nào gần với những thông tin mà người ta đã đọc, đã nghe, đã sợ hãi, lo lắng thì họ sẽ phản ứng lại một cách dữ dội, theo phản xạ”, Th.s. Thành phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.