Vì sao "trùm" buôn lậu xăng dầu không bị đưa ra truy tố, xét xử?
Sáng nay (12/7), Tòa án quân sự Quân khu 7 xét xử 14 bị cáo trong vụ án "buôn lậu", "nhận hối lộ", "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" và "không tố giác tội phạm" liên quan nhiều cựu sĩ quan cảnh sát biển, biên phòng.
Ở vụ án này, cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh - cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4; cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh bị đưa ra xét xử về tội "nhận hối lộ".
Cựu Đại tá Phùng Danh Thoại bị xét xử về tội "buôn lậu"; Nguyễn Thế Anh - cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang tội "nhận hối lộ" và "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3 Lê Xuân Thanh (áo xanh, đứng hàng sau) và các đồng phạm tại tòa
4 người từng thuộc lực lượng cảnh sát biển là Lê Văn Minh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4; Lê Xuân Thanh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3; Phùng Danh Thoại, cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển; Lưu Thế Đức, cựu Thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển.
5 bị cáo từng công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng gồm Nguyễn Thế Anh, cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang; Phạm Văn Trên, cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng, cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm, cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng.
Các bị cáo khác không thuộc quân đội gồm Lê Văn Phương, cựu Thượng tá, cựu Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và nhóm thuộc các đơn vị dân sự: Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, Cao Phước Hoài.
Hội đồng xét xử phiên tòa gồm 5 người, do thẩm phán - Thượng tá Nguyễn Hồng Phong làm chủ tọa. Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 12/7 đến 14/7.
Sáng 12/7, 14 bị cáo trong phiên tòa đều có mặt đầy đủ, trong đó có 2 cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh.
Một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng quan trọng vắng mặt. Trong đó có "trùm" buôn lậu" Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và Nguyễn Hữu Tứ được xác định là 2 "ông trùm" đứng đầu đường dây buôn lậu xăng giả. Ngoài ra, con trai của Phan Thanh Hữu là Phan Lê Hoàng Anh cũng vắng mặt.
Thư ký phiên tòa cho biết, các nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nói trên vắng mặt do quãng đường di chuyển xa, sẽ có mặt sau.
Dù là người đưa hối lộ nhưng do chủ động khai báo, trình báo với cơ quan chức năng trước khi bị phát hiện, nên "trùm" xăng dầu Phan Thanh Hữu đã không bị truy tố, đưa ra xét xử trong vụ án này.
Với những người làm chứng khác đã có lời khai trong hồ sơ điều tra vụ án, quá trình xét xử nếu nhận thấy có lời khai nào thiếu khách quan, Hội đồng xét xử sẽ thực hiện việc áp giải những người làm chứng này tới tòa.
Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4 Lê Văn Minh (áo đen, tóc bạc) cùng các đồng phạm hầu tòa
Vợ và con gái cầm tiền hối lộ
Theo cáo trạng, bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4); Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3); Phan Thị Xuân (SN 1964, vợ bị cáo Lê Xuân Thanh) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".
Cáo trạng nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của "ông trùm" Phan Thanh Hữu, Phan Lê Hoàng Anh đã 2 lần chuyển tiền đến tài khoản của bà Trần Thị Liên (vợ ông Lê Văn Minh) số tiền 750 triệu đồng; 1 lần chuyển vào tài khoản của con gái ông Minh là Lê Diệu Linh 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, chị Linh không biết số tiền này là tiền gì, sau khi nhận tiền, chị Linh đã chuyển tiền sang tài khoản của mẹ và tài khoản của người khác theo yêu cầu của bà Liên. Vì vậy không có căn cứ để xử lý trách nhiệm đối với Linh.
Bà Trần Thị Liên bị xác định đã nhận 1,7 tỷ đồng, nhưng không biết đây là tiền hối lộ. Qúa trình điều tra, bà Liên nhận thức được số tiền trên chuyển cho chồng là tiền bất hợp pháp. Từ đó, bà Liên đã nộp lại hơn 1,2 tỷ đồng. Còn ông Minh cũng nộp 450 triệu đồng mà bà Liên đã nhận để khắc phục hậu quả.
Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi của bà Liên có dấu hiệu của tội "nhận hối lộ" hoặc "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Nhưng xét ý thức, động cơ, tính chất, mức độ, hành vi thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với bà Liên.
Cáo trạng cũng cáo buộc bị cáo Phan Thị Xuân là vợ của cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 Lê Xuân Thanh biết rõ chức vụ, vị trí công tác của chồng, nhưng trong thời gian từ tháng 3/2020 - 1/2021, vẫn 11 lần nhận của "ông trùm" Phan Thanh Hữu 1,8 tỷ đồng.
Hành vi của bà Xuân bị xác định đủ yếu tố cấu thành tội "nhận hối lộ" với vai trò thực hành giúp sức cho chồng và phải chịu trách nhiệm sau bị cáo Lê Xuân Thanh.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, năm 2019, Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn (cùng trú tại TP.HCM) và cựu Đại tá Phùng Danh Thoại cùng một số người góp gần 54 tỷ đồng để buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
Phan Thanh Hữu đã nhờ ông Lê Văn Minh là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển một số tỉnh giúp đỡ, bảo kê cho các tàu chở xăng dầu lậu không bị kiểm tra, bắt giữ.
Ông Lê Văn Minh đã trực tiếp nhận và thông qua vợ, con để nhận của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu.
Đầu năm 2020, Hữu thông qua ông Lê Văn Minh đã làm quen với cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và được ông Thanh đồng ý giúp đỡ, bảo kê các tàu buôn lậu xăng trên biển. Ông Hữu chỉ đạo con trai là Phan Lê Hoàng Anh hàng tháng mang tiền đến nhà riêng đưa cho vợ chồng ông Thanh tổng cộng 1,8 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã thu giữ tổng số tiền hơn 34 tỷ đồng. Trong đó, 2 cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh được ghi nhận đã khắc phục xong toàn bộ thiệt hại bị cáo buộc gây ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận