Báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra việc tăng giá điện mới đây, Bộ Công thương cho biết, sẽ nghiên cứu về cơ cấu giá điện bậc thang, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.
Không còn nhiều hộ dùng dưới 50kWh/tháng
Ông Nguyễn Hưng V. (trú ở Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết, tháng 4 gia đình ông dùng hết 102 số điện cho các thiết bị cơ bản như bóng điện, tủ lạnh, nồi cơm điện. Theo hóa đơn, số tiền điện gia đình phải trả 192.091 đồng (đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng). “Đây là những thiết bị cơ bản nhất rồi nhưng lượng điện tiêu thụ vẫn trên 100kW”, ông V. nói. Những hộ xung quanh nơi ông V. sống cũng rất ít gia đình dùng dưới 100 số điện mỗi tháng.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2018, số hộ sử dụng điện ở mức 100 kWh/tháng trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm hơn 35%. Đến tháng 4/2019, số liệu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp cho Báo Giao thông, cả nước chỉ có 13,97% số hộ dùng dưới 50kWh/tháng. Còn tỷ lệ hộ sử dụng từ 50-100 kWh/tháng cũng chỉ có 17,71%. Tính chung hai nhóm khách hàng ở bậc 1 và 2 này đã giảm còn 31,68%. Bậc đang có nhiều khách hàng nhất là bậc 3 (từ 100-200 kWh, đơn giá hiện hành là 2.014 đồng/kWh) với 36,47%. Còn lại là các hộ ở nhóm bậc cao hơn.
Biểu giá điện với cơ cấu 6 bậc đã được áp dụng từ năm 2014. Trong 5 năm qua, đời sống của người dân đã khá hơn, lượng điện tiêu thụ theo đó cũng tăng lên. Chính vì vậy, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, sau 5 năm áp dụng biểu giá này đã tới lúc cần sửa để phù hợp với điều kiện thực tế tỷ trọng dùng điện giữa các hộ, nhất là số hộ dùng dưới 50 kWh đã ít hơn trước.
Giảm số bậc, giảm bù chéo?
Đầu năm 2015, Bộ Công thương từng đưa ra phương án sửa đổi biểu giá điện sau hơn một năm áp dụng. Dự thảo đề xuất của Bộ Công thương khi đó đưa ra 3 phương án: Giữ nguyên 6 bậc thang; Đồng giá (tức là quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt cho tất cả các khách hàng); và rút gọn xuống 3 hoặc 4 bậc. Phương án đồng giá từ đó đến nay vẫn bị phản đối.
Ông Ngãi cho biết, ủng hộ phương án vẫn giữ nguyên chính sách giá điện bậc thang trong điều kiện buộc phải tiết kiệm năng lượng. Vấn đề chỉ còn là rút xuống 3 bậc hay 4 bậc. Nếu rút xuống 3 bậc (dưới 50kWh, 50-300kWh và từ 301 kWh trở lên) hay 4 bậc (dưới 50 kWh, 51-200 kWh, 201-400 kWh, từ 401 kWh trở lên) thì đi kèm cũng sẽ rút ngắn chênh lệch giá điện giữa các bậc bởi khoảng cách giàu - nghèo trong tiêu thụ điện đã rút ngắn.
Trong biểu giá điện bậc thang hiện nay, hai bậc 1 và 2 được tính bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại giá cao hơn. Mức giá cao hơn này cũng nhằm bù lại cho các hộ sử dụng dưới 100 kWh nói trên. Dù chưa có phương án cụ thể song với định hướng “giảm bù chéo” có thể số bậc sẽ được co lại cùng với khoảng cách biểu giá ở từng bậc cũng co lại.
Thông tin với Báo Giao thông, đại diện Bộ Công thương cho biết: Phương án điều chỉnh biểu giá bậc thang ra sao phải theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Hiện, Bộ đang đợi EVN và Cục Điều tiết điện lực xây dựng và trình lên.
Về phía EVN, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN thông tin với Báo Giao thông: Tập đoàn sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước sau đó sẽ báo cáo Bộ Công thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để trình Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, tháng 6/2019, EVN sẽ trình đề xuất một số phương án báo cáo Bộ Công thương theo hướng giảm số bậc thang trong biểu hiện nay (cùng với các phương án ghi chỉ số, tính toán hóa đơn trong kỳ thay đổi giá) để người dân dễ kiểm tra, dễ theo dõi và dễ giám sát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận