>>> Vỡ mộng đổi đời khi di dân về đất Mỏ: Nỗi buồn nhà hoang nơi đảo Ngọc
>>> Vỡ mộng đổi đời di dân về đất Mỏ: Sau bỏ quê lại phải giã từ miền đất hứa
Gần 20 nghìn người đã di dân ra vùng kinh tế mới ở Quảng Ninh
Sau khi Báo Giao thông có loạt bài viết "Vỡ mộng đổi đời khi di dân về đất Mỏ", Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Báo Giao thông để cung cấp thông tin liên quan.
Theo đó, trước năm 1996, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện công tác di dân vùng kinh tế mới, bố trí dân cư trên địa bàn.
Huyện Cô Tô ngày nay đã có hạ tầng đồng bộ, đời sống người dân ổn định và ngày càng phát triển.
Từ năm 1996, Chi cục Định canh định cư và vùng kinh tế mới (nay là Chi cục Phát triển nông thôn) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ này
Kết quả, từ năm 1996 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí sắp xếp và ổn định cho 4.574 hộ với 18.994 khẩu. Trong đó, di dân ra biên giới, hải đảo là 1.229 hộ với tổng kinh phí là trên 76,42 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ là gần 23 tỷ đồng).
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng việc triển khai đã hình thành lên những điểm dân cư mới trên biên giới, hải đảo, đời sống của đa số hộ tốt hơn ở nơi cũ; số hộ di dân khá giả tăng lên, không còn số hộ phải cứu trợ.
Hạ tầng vùng di dân ở thôn đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô được đầu tư đồng bộ.
Đáng chú ý, do đời sống ổn định, nên tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy như trước đây tại một số khu vực đã không còn.
Đặc biệt, kết quả của việc bố trí dân cư tại các vùng biên giới của Quảng Ninh đã xóa đi các vùng trắng dân cư tại các tuyến đường biên giới, giúp cho an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố, ổn định….
Từng bước khắc phục khó khăn, bất cập
Liên quan đến tình trạng một số điểm dân cư sau khi hình thành nhưng người dân đã bỏ về như tại xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), phường Hải Hòa (TP Móng Cái) và Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) theo phản ánh của Báo Giao thông, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra nhiều nguyên nhân.
Do thiếu hạ tầng thiết yếu, nhiều hộ trong dự án di dân ra xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn đã bỏ đi nơi khác sinh sống.
Về khách quan, trước những năm 2000, điều kiện kinh tế và hạ tầng, nhất là về giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước sinh hoạt còn thiếu, dẫn đến việc làm ăn, sinh sống của các hộ di dân gặp rất nhiều khó khăn.
Dù đã được cấp đất sản xuất, nhưng do điều kiện tự nhiên tại nơi ở mới khác với điều kiện tại quê cũ, tập tục canh tác, sinh hoạt không phù hợp với nơi ở mới, lại không được chính quyền cơ sở hướng dẫn cách thức sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật kịp thời, nên đã dẫn đến tình trạng một số hộ di dân bỏ về quê cũ.
Về chủ quan, tuy cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hộ di dân mặc dù đã được điều chỉnh, song vẫn ở mức thấp nên khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản như cơ sở hạ tầng thiết yếu và điều kiện sản xuất còn nghèo nàn, lạc hậu.
Ngoài ra, do công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện của các sở, ngành và địa phương đối với địa bàn vùng di dân chưa được thường xuyên, nên kết quả thực hiện nhiều mặt còn hạn chế.
Điểm dân cư tự phát ở khu vực biên giới Hang Vây, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà là một trong ba điểm đang được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu để di dân ra biên giới.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình di giãn dân, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương kiểm tra, rà soát thực trạng các điểm di dân có tình trạng bỏ về để vận động người dân quay lại sinh sống trong vùng dự án.
Theo kế hoạch thực hiện chương trình di dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Quảng Ninh, cần bố trí sắp xếp, ổn định cho 1.022 hộ tương ứng 3.556 khẩu. Trong đó, tập trung nghiên cứu tính khả thi ba điểm di dân biên giới tập trung tại huyện Hải Hà và huyện Bình Liêu.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt bốn nhóm giải pháp trọng tâm về cơ chế chính sách; xây dựng cơ sở hạ tầng; quản lý nhà nước, tuyên truyền vận động và giảm thiểu tác động môi trường…
Đối với các trường hợp đã được địa phương tuyên truyền, vận động mà không quay trở lại sinh sống tại vùng dự án, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thu hồi đất và tài sản theo quy định tại vùng di dân ở xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), xã Quảng Đức (huyện Hải Hà).
Đối với các hộ di dân ở phường Hải Hòa (TP Móng Cái), năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho UBND TP Móng Cái thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ đủ điều kiện.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đầu tư xây dựng để hoàn thiện các điều kiện cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các vùng di dân như điện lưới, giao thông, nước sạch... bằng các nguồn vốn được lồng ghép từ các chương trình, dự án khác được trên khai trên địa bàn.
Đặc biệt, từ năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án di dân trên cơ sở tỉnh phân bổ nguồn vốn; các địa phương quyết định việc chọn vị trí, quy mô và chịu trách nhiệm với tỉnh về hiệu quả đầu tư…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận