Xã hội

Vỡ mộng đổi đời di dân về đất Mỏ: Sau bỏ quê lại phải giã từ miền đất hứa

26/05/2023, 14:13

Công tác tuyên truyền không đầy đủ khiến cho không ít hộ lầm tưởng ra nơi ở mới điều kiện làm ăn, sinh sống sẽ tốt hơn ở quê nhà...

Kỳ 1: Nỗi buồn nhà hoang nơi đảo Ngọc

Kỳ cuối: Sau bỏ quê lại phải giã từ miền đất hứa

Ở dọc vành đai biên giới trên bộ của tỉnh Quảng Ninh, nhiều điểm di dân nhà cửa để hoang, do các hộ đã bỏ về quê vì cuộc sống quá bấp bênh.

Bỏ về quê vì cuộc sống khó khăn

img

Sau gần 20 năm đến “miền đất hứa”, gia đình anh Vũ Chí Quang ở bản Tân Đức, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà vẫn phải ở trong căn nhà ọp ẹp, không có tài sản giá trị

Thôn Tân Lập, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh là 1 trong 3 điểm thuộc dự án di, giãn dân ở Hải Hà. Giờ đây, hàng chục căn nhà di dân ở Tân Lập bị bỏ hoang, những căn có người ở cũng cũ nát, chẳng mấy hộ có điều kiện tu sửa.

Anh Vũ Chí Quang, nhà ở giữa thôn Tân Đức cho hay, năm 2005, xảy ra trận lụt lớn tại xã Tân Đức, huyện Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ), rất nhiều hộ bị trôi mất nhà cửa, tài sản.

Khi được chính quyền vận động, gia đình anh cùng 54 hộ nữa chuyển lên đây định cư.

Tất cả hộ dân khi chuyển đến đều được hỗ trợ một ngôi nhà cấp 4 rộng hơn 30m2, nhưng không có công trình phụ, không bếp. Mỗi hộ được giao 1ha đất trồng rừng, trồng chè, nhưng đều rất xa nơi ở.

“Ở quê cũ, chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, hoa màu. Thế nhưng khi lên đây, đất trồng lúa không có, đất lâm nghiệp thì vừa ít vừa cằn cỗi. Khí hậu khắc nghiệt, điện nước không có. Nhiều hộ bỏ về quê, giờ chỉ còn 27 hộ, hộ nào ở lại cũng nghèo đói’’, anh Quang chia sẻ.

Bà Lưu Thị Lợi, 74 tuổi, mẹ anh Quang cho biết thêm: “Mỗi lần nhớ con, nhớ cháu lên thăm, nhìn cảnh sống mà thương. Tôi nhiều lần bảo cháu về quê sống, nhưng khốn nỗi, về thì lấy đâu tiền mua đất, mua nhà”.

Tại điểm di, giãn dân bản Khe Lánh 2, xã Quảng Đức, những ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang nằm sát nhau trong tình trạng xập xệ, hư hỏng nặng. Có nhà để hoang lâu, cây rừng mọc lên đội vỡ cả mái ngói.

Nhiều căn nhà đã trở thành chuồng nhốt trâu, bò… Khu vực này gồm 10 hộ dân ở xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà di cư sang từ năm 2009, nhưng giờ không còn hộ nào ở lại.

Ứa nước mắt vì tiếc công, tiếc của

img

Mỗi hộ dân ở bản Tân Đức được cấp một căn nhà nhỏ, sau một thời gian sinh sống khó khăn, hàng chục hộ đã bỏ về để nhà hoang, cỏ mọc um tùm

Theo lãnh đạo UBND xã Quảng Đức, từ năm 2005-2009, thực hiện các chương trình di, giãn dân, đã có 55 hộ dân ở Ba Vì (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) đến lập ra bản Tân Ðức; 30 hộ dân từ trung tâm xã Quảng Ðức và thôn 3, xã Quảng Thịnh vào sinh sống tại bản Khe Lánh 2; 30 hộ về bản Cống Mằn Thìn.

Nhưng đến nay, đã có 63 hộ dân của 3 thôn này bỏ đi nơi khác.

Ông Đặng Minh Tuân, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Đức nhìn nhận: “Đến nay, việc di, giãn dân ra địa bàn biên giới ở 3 bản của xã là không hiệu quả. Nguyên nhân sâu xa là thiếu đất canh tác, thiếu hạ tầng thiết yếu, chính sách hỗ trợ quá thấp”.

Tương tự, vùng dự án di giãn dân ra biên giới nằm ở triền sông Bắc Luân chia đôi bờ biên giới Việt - Trung thuộc phường Hải Hòa, TP Móng Cái do Lâm trường 27, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 (Quân khu 3) thực hiện gần 30 năm trước với 357 hộ dân, giờ cũng bị bỏ hoang phần lớn.

Những ngôi nhà bị bỏ hoang nên rêu phong phủ đầy, nhiều đã nhà bị tốc mái, sập tường.

Đại tá Nguyễn Văn Quý, nguyên Phó Tham mưu trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, nguyên Giám đốc Lâm trường 27 bày tỏ: “Ở đây, để quai đất làm được nền nhà cũng ngót nghét trăm triệu đồng. Hoàn thiện ngôi nhà phải bỏ ra hàng trăm triệu nữa. Bao công sức của bộ đội để khai hoang, phục hóa, xây dựng hạ tầng, giờ lại để hoang, chúng tôi ứa nước mắt vì tiếc công, tiếc của!”.

Theo Đại tá Quý, thời gian đầu khi di dân ra vùng dự án, cuộc sống của bà con tương đối thuận. Bởi lẽ, thời điểm ấy, các điểm xuất hàng qua biên giới ở gần khu dân cư mới thành lập khá nhộn nhịp.

Do vậy, người dân dễ dàng tìm được việc làm rồi cho thuê phòng trọ, mở quán kinh doanh. Thế nhưng, khi các điểm này thưa vắng người rồi dừng hẳn, bà con không có việc làm, cuộc sống dần rơi vào cảnh thiếu thốn.

“Nhiều hộ đành để nhà hoang rồi đi nơi khác mưu sinh. Hiện nay, số nhà bị bỏ hoang đã chiếm đa số trong khu dân cư khiến cả vùng vắng vẻ bóng người”, Đại tá Quý nói.

Lỗi tại địa phương?

img

Nhà ở khu di dân tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái bị bỏ hoang nên người dân tận dụng để nhốt bò

Một trong những lý do khiến bà con di, giãn dân không mặn mà với nơi ở mới, là họ chờ mòn mỏi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Trong 357 hộ ra vùng này, đến nay có tới 273 hộ chưa được cấp. Lý do là khu vực dự án di, giãn dân do Lâm trường 27 triển khai nằm trong quy hoạch khu kinh tế tổng hợp, nên việc cấp sổ đành phải dừng lại từ gần 20 năm trước.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 21/4/2020, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cấp sổ đỏ cho các hộ còn lại thuộc dự án di, giãn dân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái.

Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Phúc Vinh, Phó chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, mặc dù tỉnh đã có chỉ đạo như vậy, nhưng thực tế thì đến nay, việc cấp sổ vẫn chưa thực hiện được. Bởi quá trình triển khai vướng rất nhiều quy định, đặc biệt là việc xác định nghĩa vụ tài chính của các hộ.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, việc các dự án di, giãn dân ra biên giới, hải đảo là trách nhiệm của nhiều ngành và địa phương có dự án.

Trong khi đó, theo tìm hiểu, việc triển khai các dự án này do Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện.

Trong đó, Sở NN&PTNT là cơ quan tham mưu về triển khai chính sách về xây dựng hạ tầng, nhà ở... cho các hộ dân. Còn các địa phương có dự án thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, đất đai, an sinh xã hội…

“Để xảy ra tình trạng không cấp sổ đất ở, đất sản xuất và thiếu cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất là do chính quyền các địa phương có dự án. Do vậy, việc người dân bỏ về hàng loạt như hiện nay trách nhiệm chính là của các địa phương…”, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Quý, tổng số tiền do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 thực hiện các dự án di giãn dân ra vùng biên giới đất liền của Quảng Ninh được bố trí là trên 200 tỷ đồng.

Trong hỗ trợ xây nhà, ổn định cuộc sống giai đoạn đầu cho mỗi hộ bình quân là trên 20 triệu đồng.

“Ngoài nguyên nhân khách quan như thiếu hạ tầng thiết yếu, thiếu đất đai canh tác, thì do đơn vị đã không phối hợp khảo sát, tính toán kỹ lưỡng tập tục làm ăn, sinh sống của người dân.

Công tác tuyên truyền về vùng dự án không đầy đủ khiến cho không ít hộ lầm tưởng ra nơi ở mới điều kiện làm ăn, sinh sống sẽ tốt hơn ở quê nhà”, Đại tá Quý thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.