Ngày càng nhiều gia đình trẻ phải đối mặt với nguy cơ vô sinh thứ phát. |
Chưa có con cũng vô sinh thứ phát
Cầm kết quả trên tay với lời chẩn đoán của bác sỹ “vô sinh thứ phát, nguyên nhân tắc vòi trứng”, chị Lê Thanh Tâm (22 tuổi, trú tại Gia Bình, Bắc Ninh) lặng người, ngồi thừ cả giờ trong khuôn viên BV Phụ sản Hà Nội. Ngồi cạnh, bà Ninh (mẹ chị Tâm) thở dài thườn thượt: “Vợ chồng nó cưới nhau hơn ba năm rồi, nhà chồng thì độc đinh. Giờ thì sao đây?”.
Theo lời bà Ninh, hai vợ chồng Tâm yêu nhau từ ngày còn học cấp 3, trước khi cưới cũng không tránh khỏi đôi lần trót nhỡ. Thương con, bà giấu chồng đưa con đi “xử lý”. “Mẹ chồng nó đánh tiếng “cho con cưới phải cau điếc”, sốt ruột quá, tôi mới bắt nó đi khám, ai ngờ kết quả thế này”, bà Ninh cho hay.
Ngồi cách đó không xa, hai vợ chồng anh Nguyễn Huy (26 tuổi, trú tại Minh Khai, Hà Nội) cưới nhau bốn năm vẫn chưa có con. Kết quả khám cho thấy, chị bị dính buồng tử cung mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc đã từng nạo hút thai hồi mới cưới, do lo ngại công việc chưa ổn định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà cho biết: “Độ tuổi vô sinh thứ phát ngày càng trẻ hóa. Nếu trước kia vô sinh thứ phát thường xảy đến với những cặp vợ chồng đã có một, hai lần sinh con thì nay rơi vào nhiều cặp chưa từng có con”. Theo BS. Dung, có nhiều nguyên nhân như quan hệ tình dục sớm hoặc không đúng cách, nạo hút thai, lạm dụng chất kích thích, mất vệ sinh, viêm nhiễm phụ khoa... đều có thể dẫn đến viêm tắc vòi trứng, viêm nhiễm tử cung ở nữ giới làm cho tỷ lệ vô sinh thứ phát tăng nhanh.
Đáng lưu ý, theo số liệu của BV Phụ sản T.Ư, mỗi năm có khoảng 5 nghìn ca phá thai, trong đó 30% thai phụ dưới 24 tuổi, có em 15 tuổi đã hai lần phá thai. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ này khoảng 18% nhưng tuổi đời của thai phụ trẻ hơn (trung bình 20 tuổi). Khi có thai các em thường không biết cách xử lý phù hợp, đến bệnh viện khi tuổi thai đã quá lớn. “Một trong những biến chứng lâu dài của việc nạo phá thai là gây vô sinh thứ phát”, BS. Dung cảnh báo.
Quý ông cũng đối mặt với vô sinh vì bia, rượu
Bước ra từ phòng khám Nam khoa, anh Nguyễn Văn Trường (32 tuổi, Ngọc Khánh, Hà Nội) dường như vẫn không tin vào kết quả “chất lượng tinh trùng yếu, loãng” trong xét nghiệm tinh dịch đồ. Anh Trường cho hay, vợ chồng anh đã có một con gái 6 tuổi, giờ muốn sinh thêm đứa nữa, thế nhưng gần hai năm nay không có kết quả. Nghe bác sỹ tư vấn, anh mới vỡ lẽ, việc anh hay hút thuốc, uống rượu, thường xuyên căng thẳng trong công việc chính là nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng “tinh binh”.
Cũng tương tự, anh Nguyễn Minh Hải (33 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên) buộc phải đi khám vì ba năm nay, vợ chồng anh “thả cửa” nhưng mãi không có tin vui. Kết quả khám anh bị viêm tinh hoàn hai bên nên khó có con. Lúc này, anh Hải mới nhớ, anh mắc quai bị khi con lớn của anh tròn năm. Chủ quan không đi khám, anh chỉ uống thuốc giảm đau và để tự khỏi. “Không ngờ lại có hậu quả này”, anh Hải cho hay.
Theo BS. Dung, vô sinh thứ phát không chỉ xảy ra ở phụ nữ mà có thể gặp ở cả nam giới với tỷ lệ không nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm trùng đường sinh dục, rối loạn chức năng tình dục, tai nạn vùng sinh dục, va đập, chấn thương tinh hoàn... Những người có đời sống tình dục không lành mạnh, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì nguy cơ vô sinh thứ phát càng cao. “Ngoài ra, công việc quá căng thẳng, mệt mỏi hay lạm dụng rượu, bia, thuốc lá cũng khiến nhiều người mất hoặc giảm khả năng sinh sản”, BS. Dung khuyến cáo.
Theo các bác sỹ sản khoa, những cặp vợ chồng từng có con nhưng sau 6 tháng quan hệ tình dục liên tục, không dùng các biện pháp tránh thai mà chưa đậu thai thì có thể bị vô sinh thứ phát, cần được khám, điều trị kịp thời. Tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam chiếm khoảng 8% - 10% ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Nguy cơ vô sinh với nữ giới khoảng 35% và nam giới khoảng 30%, do cả vợ lẫn chồng là 25%, chưa rõ nguyên nhân khoảng 10%. Đáng báo động, có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận