Phá rừng phòng hộ để làm đường công vụ vào công trường dự án thủy điện
Thời gian qua, dư luận tại huyện Ba Tơ bức xúc trước việc một đơn vị thi công Dự án thủy điện Nước Long đã sử dụng phương tiện xe cơ giới cùng nhân lực vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thuộc địa phận xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ để đốn hạ cây rừng, bạt núi làm đường.
Công trường Dự án thủy điện Nước Long do Công ty CP xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo thực hiện đã nhiều lần xâm hại rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham
Ghi nhận cho thấy, để đi từ trung tâm xã Ba Ngạc đến khu vực dự án thủy điện phải đi vòng qua nhiều đoạn đường đất dốc dựng đứng. Sau chừng 2 giờ đồng hồ di chuyển, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham bị phá hủy để thi công đường công vụ mới hiện ra.
Tại đây, một vạt rừng lớn với nhiều cây gỗ hàng chục năm tuổi bị đốn hạ, nhiều khoảnh rừng nguyên sinh sau khi bị đơn vị thi công cạo trọc chỉ còn lại quả đồi “chết”. Một số cây rừng tự nhiên bị cưa hạ vẫn còn trơ gốc, có một số cây bị gãy đổ.
Cạnh đó, một tuyến đường công vụ vừa được san gạt đã được mở ra. Theo đó, tuyến đường có chiều rộng khoảng 5m và có chiều dài khoảng 300m. Tuyến đường chưa thi công hoàn thiện. Để mở đường đơn vị thi công đã cho đào khoét sâu vào vách núi rừng phòng hộ và đổ đá, đất thải xuống vực sâu bên cạnh.
Qua kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng huyện Ba Tơ và Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ xác định: Đối chiếu với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cấp ngày 7/3/2022 cho Công ty CP Xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo, diện tích rừng bị phá nằm ngoài mốc giới dự án.
Theo đó, khu vực rừng phòng hộ bị chặt phá, san ủi để làm đường công vụ nằm ở lô 11, khoảnh 8, tiểu khu 371 và lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 375 xã Ba Ngạc. Tổng diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá, đào bới có diện tích khoảng 1.700m2.
Để mở tuyến đường công vụ dẫn vào hầm bổ sung nước 2 phải phá hủy rừng phòng hộ, song Công ty CP Xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo đã "đổ lỗi" cho người làm công
Được biết, đây không phải là lần đầu chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Long là Công ty CP Xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo có “ý đồ” xâm lấn, “xẻ thịt” rừng phòng hộ để thi công các hạng mục liên quan đến dự án thủy điện Nước Long.
Trước đó, vào tháng 5/2021, công ty này cũng đã tự ý cho xe cơ giới “xẻ thịt,” lấn chiếm gần 5.000 m2 đất rừng trái pháp luật và đất rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham để mở đường công vụ vào thi công hầm bổ sung nước 2, dự án thủy điện Nước Long, dù chưa được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền.
Chủ đầu tư đổ lỗi cho người làm công
Theo tài liệu PV Báo Giao thông có được, để xây dựng hầm bổ sung nước 2, dự án thủy điện Nước Long, chủ đầu tư là Công ty CP Xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo đã ký hợp đồng xây dựng hạng mục đường công vụ trên với Công ty CP Xây lắp điện Đức Bảo Kon Tum.
Sau đó, Công ty CP Xây lắp điện Đức Bảo Kon Tum ký hợp đồng nhân công với ông Vũ Văn Hào (trú xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, Đắk Nông) để thi công hạng mục san gạt đường vào hầm bổ sung nước 2.
Sau khi ký hợp đồng, trong quá trình thi công ông Vũ Văn Hào đã tự ý san gạt, đốn hạ cây rừng tự nhiên, đào lấn vào diện tích rừng phòng hộ và đào, đắp đất lên tạo thành mặt đường, gây thiệt hại nặng nề đến diện tích rừng phòng hộ tại xã Ba Ngạc.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ, qua làm việc ông Vũ Văn Hào thừa nhận hành vi vi phạm và cho biết có nhận khoán thi công đoạn đường công vụ trên. Trong quá trình thi công đã tự ý san gạt cây rừng, xâm phạm vào rừng phòng hộ để đào lấn đất thi công đường.
Ông Hào cũng cho rằng, việc thi công này là do ông tự ý làm ở khu vực nằm ngoài mốc giới mà Công ty CP Xây lắp điện Đức Bảo Kon Tum bàn giao tại hiện trường.
Trong khi đó, ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo chỉ thừa nhận có việc mở đường, san ủi gây thiệt hại lớn đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trái pháp luật. Còn việc thi công là do cá nhân thực thi đã tự ý làm, công ty không liên quan.
Với 2 lần phá rừng phòng hộ, song việc xử lý đối với chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Long chỉ như "nước đổ đầu vịt" khi công ty này đẩy hết sai phạm cho người làm công khiến dư luận bức xúc
Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, qua làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ, xác định có xảy ra sự việc đơn vị thi công đường công vụ vào hầm bổ sung nước số 2 phá rừng phòng hộ.
Sở đã chỉ đạo cơ quan liên quan lập biên bản sự việc. Đồng thời, đơn vị cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi toàn bộ sự việc và chờ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, qua báo cáo của cơ quan chức năng và kiểm tra hiện trường, UBND huyện nhận thấy hành vi phá hoại rừng phòng hộ là nghiêm trọng. Do đó, UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vũ Văn Hào số tiền 87,5 triệu đồng.
Ngoài ra, buộc ông Hào trồng lại rừng thay thế trên diện tích đã vi phạm bằng cây lim xanh dưới sự giám sát của Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ và chính quyền địa phương.
Được biết, Dự án thủy điện Nước Long có diện tích 18ha, công suất 26 MW, nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Kong Plong (tỉnh Kon Tum) và huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận