Tài chính

Vodka Men tuột dốc, vì đâu nên nỗi?

05/03/2022, 06:30

Có thời Vodka Men ngoạn mục vượt qua đối thủ lớn nhất là Vodka Hà Nội với doanh thu trên 400 tỷ đồng/năm, cổ đông được chia cổ tức hàng chục tỷ.

Nhưng thời vang bóng không còn khi công ty mô hình gia đình rơi vào thua lỗ, người từng đứng đầu doanh nghiệp liên tục bị cổ đông tố giác tới cơ quan công an…

img

Thời gian qua, thị phần Vodka Men liên tục bị suy giảm, hàng trăm lao động phải nghỉ việc (Trong ảnh: Nhà máy Vodka Men)

Cổ đông đều là họ hàng thân thích

Ít ai biết, Công ty TNHH Hương Vang, tiền thân của Công ty CP Hương Vang, chủ sở hữu của thương hiệu Vodka Men và nhiều thương hiệu rượu nội địa khác, được thành lập năm 2005 bởi một nhóm 5 người bạn.

Sau những năm đầu tiên kinh doanh thua lỗ, một số cổ đông sáng lập rút vốn, chỉ còn lại ông Phạm Kinh Kha và bà H.T.T.G. Tháng 4/2007, ông Kha và bà G. kết hôn.

Vài tháng sau đó, Công ty Hương Vang cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ. Số tiền chung của vợ chồng ông Kha được ưu tiên dồn vào mua cổ phần cho ông này.

Sau nhiều biến động về cổ đông và tỷ lệ sở hữu, đến tháng 10/2015, Hương Vang chỉ còn 5 cổ đông đều có quan hệ họ hàng.

Trong đó, ông Kha nắm giữ 43% cổ phần, em ruột giữ 5%, vợ giữ 32%, còn ông Lê Văn Chương, bà N.T.T.H (là cậu, dì của vợ ông Kha) mỗi người nắm giữ 10%.

Năm 2006, các cổ đông họp và nhất trí với chiến lược chuyển hướng công ty từ nhập khẩu, kinh doanh rượu vang sang sản xuất rượu vodka, xây nhà máy ở tỉnh Hưng Yên với tên thương hiệu là Vodka Men.

Công ty Hương Vang lúc này đóng vai trò kinh doanh, phân phối sản phẩm Vodka Men và các sản phẩm rượu khác do nhà máy của mình sản xuất.

Tháng 6/2006, Công ty CP Rượu bia nước giải khát Aroma được thành lập, trụ sở ở tỉnh Hưng Yên, với 4 cổ đông sáng lập, trong đó Công ty Hương Vang chiếm 32% vốn điều lệ, đại diện góp vốn là ông Phạm Kinh Kha và ông Chu Đức Chiến.

Ba cổ đông khác đăng ký góp 68% cổ phần nhưng thực góp chỉ 18%. Tháng 12/2007, ông Chiến và 3 cổ đông rút khỏi Aroma, công ty này còn lại 3 cổ đông là Công ty Hương Vang, Lê Văn Chương và Phạm Kinh Kha.

Ngay từ khi thành lập Hương Vang và Aroma (hai công ty lớn nhất, quan trọng nhất của Vodka Men), ông Phạm Kinh Kha đã là “người được chọn” với vai trò chủ tịch, người đại diện trước pháp luật của cả 2 doanh nghiệp này.

Giai đoạn từ khi thành lập đến khoảng năm 2014, cùng với các cổ đông, hai vợ chồng ông Kha đã “song kiếm hợp bích”, từng bước đưa Vodka Men lên đỉnh cao, chiếm thị phần số 1 Việt Nam, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và nộp thuế hàng trăm tỷ đồng/năm.

Chỉ sau hơn 2 năm chuyển sang sản xuất Vodka Men, Hương Vang đã có lãi. Từ năm 2009 - 2014 là giai đoạn phát triển rực rỡ của Vodka Men.

Năm 2013, Vodka Men đã vượt qua đối thủ lớn nhất trên thị trường, Vodka Hà Nội, khi đạt doanh thu trên 400 tỷ đồng/năm, cổ đông được chia cổ tức hàng chục tỷ đồng…

Nội bộ lục đục, thương hiệu đi xuống

Tuy nhiên, từ năm 2014 doanh số của Vodka Men bắt đầu giảm sút nghiêm trọng và đến năm 2017 bắt đầu lỗ. Cũng từ đây, các cổ đông trong công ty bắt đầu lục đục, mâu thuẫn.

Sau nhiều năm ly thân, năm 2019 ông Kha và bà G. ly hôn. Từ đó đến nay, những căng thẳng, phức tạp liên tục diễn ra.

Mới đây nhất, ông Lê Văn Chương (từng là cậu đằng vợ của ông Kha), đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 52% cổ phần đã làm đơn tố giác ông Kha tới cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội. Được biết, hiện cơ quan điều tra đã thụ lý, xác minh.

Sự việc ở Vodka Men một lần nữa cho thấy “điểm yếu” để tình cảm gia đình chi phối các quan hệ ứng xử của các cổ đông theo Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty... Cách xử lý “chiếu cố, nương tay” của cổ đông vô tình đã tạo điều kiện cho thành viên có ý đồ xấu lộng hành, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông, công ty, thậm chí có nguy cơ vướng vòng lao lý. Bài học muôn thở vẫn là phải rành mạch giữa tình và lý.

LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI


Theo đơn tố giác, năm 2010, đại hội cổ đông của công ty đã họp và ra nghị quyết rút ông Kha khỏi vị trí lãnh đạo Công ty Hương Vang để ông này tập trung mảng sản xuất (Công ty CP Rượu bia nước giải khát Aroma) nhưng sau rất nhiều năm nghị quyết này không được thực hiện.

Các cổ đông tố giác từ năm 2015 ông Kha bắt đầu không cho kiểm toán công ty, không tổ chức họp đại hội đồng cổ đông để công bố kết quả kinh doanh, báo cáo kế hoạch năm, thông qua ý kiến cổ đông như trước đây.

Mãi đến ngày 25/12/2017, sau rất nhiều nỗ lực đàm phán, cổ đông mới tổ chức được đại hội đồng cổ đông với 100% số cổ đông dự họp, song hàng loạt nội dung quan trọng được thông qua trong đại hội đã không được Chủ tịch công ty thực thi.

Ông Lê Văn Chương tố người đại diện pháp luật của công ty đã rút một lượng tiền mặt rất lớn từ tài khoản của Hương Vang để mua nhà, bất động sản, đứng tên cá nhân.

Thậm chí còn có chuyện tự ý lập sổ cổ đông giả, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân và cắt cổ phần của cổ đông khác.

Cũng theo ông Chương, ngày 24/10/2018, nhóm cổ đông đa số (52%) đã họp để bãi nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của ông Kha ở Công ty Hương Vang.

Tuy nhiên, ông Kha không chấp nhận và cho rằng, vì ông là cổ đông cá nhân lớn nhất (chiếm 43% cổ phần) nên ông phải là người điều hành, “không ai được quyền phế truất”.

Sự đi xuống của Vodka Men liên tục đến từ những quyết định bất thường của Chủ tịch mà các cổ đông khác không thể làm gì.

Theo ông Chương, cuối năm 2018, với tư cách lãnh đạo công ty, ông Kha cho gửi công văn tới toàn bộ các nhà phân phối và đối tác, thông báo chấm dứt vai trò kinh doanh, phân phối rượu Vodka Men và các sản phẩm khác của Công ty Hương Vang.

Đề nghị các đối tác, nhà phân phối chuyển sang ký kết làm ăn với Công ty Bảo Lam (của cá nhân ông Kha và người thân). Tài khoản nhận tiền thanh toán hàng hóa, sản phẩm của Hương Vang được thay bằng tài khoản của… mẹ đẻ ông Kha.

Câu chuyện nội bộ lục đục kéo theo sự đi tụt dốc không phanh của một thương hiệu đình đám được bà Việt Hương (em ruột ông Kha) giải thích với báo chí: “Nhóm cổ đông (của ông Chương, bà G. và bà N.T.T.H) muốn chiếm quyền điều hành công ty nên mới tổ chức đại hội để phế truất anh ấy…”. Cũng theo bà Hương, “khi anh Kha ra đây làm (lập công ty Bảo Lam - PV) anh ý chỉ từ 2 bàn tay trắng!”…

Trong khi đó, nhiều người làm ở Hương Vang cho biết, ông Kha đã đưa thành công hàng trăm nhân sự của Hương Vang về làm việc cho Bảo Lam.

Ông Chương khẳng định, năm 2018 đã cùng các cổ đông tố giác đến công an tỉnh Hưng Yên và Công an Hà Nội việc ông Kha chiếm toàn bộ nhà máy (Aroma) và phần lớn tài sản trị giá khoảng 400 tỷ đồng của Hương Vang. (Năm 2018, cơ quan điều tra đã có kết luận vụ việc và không khởi tố vụ án - PV).

Thừa nhận “có sự nhân nhượng, lo ngại làm to chuyện sẽ ảnh hưởng đến gia đình do ông Kha từng là cháu rể”, ông Chương ước: “Giá tôi và các cổ đông cứng rắn buộc Kha phải chấp hành pháp luật ngay từ đầu thì Vodka Men đã vững vàng ở CLB nghìn tỷ từ lâu rồi. Chúng tôi cũng không phải làm một việc rất đau lòng là tố cáo người đã từng là con cháu trong nhà…”.

Từ khi xảy ra tranh chấp giữa các cổ đông đến nay, thị phần Vodka Men liên tục bị suy giảm. Doanh thu sụt giảm, hàng trăm lao động nghỉ việc, số thuế nộp ngân sách Nhà nước cũng giảm.

Một đại lý phân phối rượu bia tại Hà Nội cho biết, vài năm trở lại đây, Vodka Men không còn người tâm huyết phát triển thị trường, thậm chí, tình trạng rượu Vodka Men bị làm nhái, làm giả cũng không có ai quan tâm giải quyết…

Ngày 21/2/2022, ông Lê Văn Chương, đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ 52% cổ phần của Công ty Hương Vang đã làm đơn tố giác tội phạm (bổ sung) lên cơ quan điều tra về việc ông Phạm Kinh Kha đã làm và sử dụng con dấu, tài liệu giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.