Thế giới

Volkswagen đạt thỏa thuận cắt giảm 35.000 việc làm tại Đức sau 70 giờ đàm phán kỷ lục

21/12/2024, 15:55

Sau 70 giờ đàm phán liên tục, tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu nước Đức Volkswagen (WV) đã hoàn tất thỏa thuận để cắt giảm 35.000 việc làm đến năm 2030.

"Món quà kỳ diệu cho lễ Giáng sinh"

Hãng tin Reuters dẫn lời lãnh đạo công đoàn Đức ca ngợi thỏa thuận này là "Món quà kỳ diệu cho lễ Giáng sinh" sau 70 giờ đàm phán căng thẳng. Đây được coi là thời gian đàm phán dài kỷ lục trong suốt 87 năm lịch sử của hãng.

"Thông qua việc nhất trí các biện pháp cần thực hiện, VW đã đạt được mục tiêu mang tính quyết định đối với tương lai của hãng liên quan đến chi phí, năng lực và cấu trúc. Chúng tôi đang quay trở lại vị thế sẵn sàng định hình thành công cho tương lai", CEO Tập đoàn VW Oliver Blume tuyên bố.

Volkswagen đạt thỏa thuận cắt giảm 35.000 việc làm tại Đức sau 70 giờ đàm phán kỷ lục- Ảnh 1.

Đại diện công đoàn VW công bố thỏa thuận đạt được với lãnh đạo tập đoàn trong đêm 20/12 (Ảnh: Reuters).

VW cho biết thỏa thuận mới sẽ giúp tiết kiệm cho hãng khoảng 15,6 tỷ USD mỗi năm trong trung hạn. Đồng thời thỏa thuận mới cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của hãng trong năm 2024.

Theo đó, VW sẽ không đóng cửa nhà máy hay sa thải công nhân ngay lập tức đồng thời cũng không yêu cầu công nhân chấp nhận giảm lương 10%.

Song, VW cho biết hãng đang cân nhắc hoạt động của nhà máy tại Dresden đồng thời tính đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà máy tại Osnabrueck như bán cho chủ sở hữu khác và chuyển một số hoạt động sản xuất sang Mexico.

Nhiều khả năng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Dresden sẽ ngừng lại vào cuối năm 2025. Các nhân viên của VW sẽ không được nâng lương trong vòng 4 năm tới và một số phúc lợi sẽ bị giảm đi hoặc xóa bỏ hoàn toàn.

Tại nhà máy lớn nhất của VW tại Wolfsburg, số lượng dây chuyền lắp ráp sẽ giảm từ 4 xuống còn 2.

"Sẽ không có nhà máy nào bị đóng cửa, không một nhân viên nào bị sa thải vì lý do vận hành. Những thỏa thuận về lương bổng cũng được đảm bảo về lâu dài", bà Daniela Cavallo, Chủ tịch công đoàn VW khẳng định.

Được biết VW đã đàm phán với đại diện công đoàn Đức từ tháng 9 về các biện pháp mà hãng cho là cần thiết để có thể cạnh tranh tốt hơn với xe hơi giá hấp dẫn từ đối thủ Trung Quốc cũng như tình trạng nhu cầu sụt giảm tại châu Âu và quá trình chuyển đổi sang xe điện đang diễn ra chậm hơn kỳ vọng.

Trong tháng 11, khoảng 100.000 công nhân VW đã tiến hành 2 cuộc đình công riêng rẽ. Cả hai đều là những cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử VW để phản đối kế hoạch cắt giảm chi phí của tập đoàn.

Vòng đàm phán thứ 5 giữa giới chức VW và công đoàn đã diễn ra từ đầu tuần này tại Hanover và kéo dài đến ngày 20/12. Các nhà đàm phán chỉ có rất ít thời gian để ngủ nghỉ trong suốt thời gian đó.

Số lượng 35.000 việc làm bị cắt giảm trong tương lai tương đương với khoảng 1/4 nhân công của VW và nằm trong kế hoạch của hãng nhằm giảm sản lượng xe hơi VW sản xuất tại Đức xuống còn hơn 700.000 chiếc.

Dù vậy, theo ông Matthias Schmidt, chuyên gia phân tích thị trường xe hơi châu Âu, thời hạn cắt giảm 35.000 việc làm tại VW cho đến năm 2030 là quá dài nhiều khả năng vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng đình trệ trên khắp thị trường châu Âu hiện tại.

"Tôi có thể nói rằng các nghiệp đoàn có thể làm tốt hơn nữa trong trường hợp của VW, song do cấu trúc của tập đoàn này rất phức tạp. Có thể đây đã là giải pháp thực tế tốt nhất mà họ có thể đạt được", ông Schmidt đánh giá.

Thỏa thuận từ VW "xả van" áp lực cho Thủ tướng Đức

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tại VW diễn ra vào đúng thời điểm nền kinh tế và chính trị quan trọng nhất của châu Âu đang trải qua những sóng gió khó lường.

Câu hỏi về việc làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đức vốn đang trì trệ đã trở thành trọng tâm trong bối cảnh các đảng phái đang cạnh tranh gay gắt trong chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới.

Volkswagen đạt thỏa thuận cắt giảm 35.000 việc làm tại Đức sau 70 giờ đàm phán kỷ lục- Ảnh 2.

Những vấn đề tại VW có tác động rất lớn đến kinh tế Đức và tương lai chính trị của Thủ tướng Scholz (Ảnh: VW).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng hối thúc VW cần duy trì hoạt động của tất cả nhà máy.

Sau khi thông tin về thỏa thuận giữa VW và công đoàn được công bố, ông Scholz đã gọi đây là một giải pháp tích cực có thể chấp nhận được về mặt xã hội.

"Bất chấp những khó khăn hiện tại, thỏa thuận này cho thấy VW và người lao động đã có thể hướng tới một tương lai tốt đẹp", ông Scholz nhấn mạnh.

Ông Alexander Krueger, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hauck Aufhaeuser Lampe, nhận định, thỏa thuận mới này là sự nhượng bộ mà các bên có thể chấp nhận được.

"Nhiều công ty cũng đang tính đến việc cắt giảm nhân lực và VW mới chỉ bắt đầu làm điều này. Áp lực cạnh tranh về giá đòi hỏi hãng sau này tiếp tục điều chỉnh", ông Krueger nói thêm.

Trước đó, các cựu lãnh đạo của VW như Herbert Diess và Bernd Pischetsrieder đã không thể thay đổi sâu rộng hãng khi các tổ chức nghiệp đoàn không chịu nhượng bộ. Những lời đe dọa về khả năng xảy ra đình công từ nghiệp đoàn IG Metall được coi là "con bài tẩy" tại thời điểm đó.

Ngân hàng UBS ước tính mỗi ngày đình công tại Đức sẽ khiến VW thiệt hại hơn 100 triệu USD về doanh thu và khoảng hơn 20 triệu USD lợi nhuận hoạt động. Con số này dựa trên số lượng khoảng 2.000-3.000 xe không được sản xuất mỗi ngày khi đình công diễn ra.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.