Ngân hàng Nhà nước gỡ vướng vốn tín dụng
Tìm hiểu của Báo Giao thông, tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cung cấp tín dụng mới đây, các bên đã thống nhất sẽ thương thảo để ký phụ lục hợp đồng dự án muộn nhất vào cuối tháng 8/2019, làm cơ sở để thẩm định vay vốn và thực hiện các bước tiếp theo.
Đại diện phía ngân hàng, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đang thu xếp vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư dự án để điều chỉnh, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng quan trọng này.
“Đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn tham gia cho vay dự án. Hiện nay, các ngân hàng thương mại không thiếu vốn. Trong quá trình cho vay vốn tín dụng, nếu ngân hàng có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có phương án hỗ trợ không chỉ khi triển khai dự án mà cả cho đến khi dự án hoàn thành”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Tiến độ dự án phụ thuộc thời gian giải ngân vốn ngân sách
Theo quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT có tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn BOT 10.482 tỷ đồng; nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án 2.186 tỷ đồng, được bố trí giải ngân theo kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, vốn vay thương mại chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhưng “chìa khoá” để thúc đẩy dự án này nằm ở nguồn vốn 2.186 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước mà Chính phủ đã cam kết hỗ trợ cho dự án để đảm bảo phương án tài chính khả thi.
“Vướng mắc lớn nhất đối với nguồn vốn này là việc phải hoàn thành hồ sơ điều chỉnh dự án, quy trình, thủ tục giải ngân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tỉnh Tiền Giang sau khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng dự án, cần sớm làm việc với các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn tăng thu năm 2018, đẩy nhanh thủ tục giải ngân 2.186 tỷ đồng. Đồng thời, cần xác định được thời gian mà vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ vào dự án để đảm bảo điều kiện vay vốn tín dụng, bởi đây cũng chính là biện pháp giảm lãi vay, tăng tính khả thi của dự án”, ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, cơ cấu nguồn vốn tham gia vào dự án gồm có: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước và vốn tín dụng của ngân hàng. Trong khi, nguồn vốn chủ sở hữu đã được các nhà đầu tư góp đủ, thì tiến độ dự án đang phụ thuộc rất lớn vào việc giải ngân vốn ngân sách và nguồn vốn tín dụng cho dự án được cho vay kịp thời.
“Đây là dự án cấp bách, là khát vọng bấy lâu của hơn 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dứt khoát phải thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021. Với vai trò là doanh nghiệp dự án, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình và quyết tâm thực hiện thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2020, nếu 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước được giải ngân trong năm 2019”.
“Trường hợp, đến hết năm 2019, dự án vẫn chưa được giải ngân vốn phần ngân sách Nhà nước, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ cho tạm dừng dự án để đàm phán lại thời gian hoàn thành ”, ông Hoàng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận