Thế giới

Vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp sẽ thế nào?

25/04/2017, 07:47

Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen sẽ bước tiếp sau vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên?

17

Hai ứng viên Marine Le Pen và Emmanuel Macron trực tiếp đối đầu trong vòng bỏ phiếu chung cuộc diễn ra vào ngày 7/5 tới

Chưa có kết quả sơ bộ một cách chính thức nhưng phần lớn các khảo sát đều cho thấy, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, lãnh đạo đảng Tiến lên (phe ôn hòa) và bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc (phe cực hữu) là hai gương mặt gần như chắc chắn sẽ bước tiếp sau vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên.

Dự đoán ứng viên chiến thắng

Cuối tuần qua, khoảng 46 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng sơ bộ chọn ra 2 trong 10 ứng viên Tổng thống để đi tiếp vào vòng chung cuộc. Đây có lẽ là cuộc bầu cử đầu tiên của Pháp diễn ra trong bối cảnh an ninh được siết chặt và là lần đầu tiên không có chính đảng lớn nào bước vào vòng chung cuộc.

Đến chiều 24/4, dù chưa có kết quả sơ bộ một cách chính thức nhưng phần lớn các khảo sát đều cho thấy, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, lãnh đạo đảng Tiến lên (phe ôn hòa) và bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc (phe cực hữu), là hai gương mặt gần như chắc chắn sẽ bước tiếp sau vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên.

Dự đoán số phiếu dành cho hai ứng viên này là 23,7% và bà Le Pen 21,9%, theo báo Guardian (Anh). Sau khi kết quả chính thức của vòng 1 được công bố, vòng bỏ phiếu thứ 2 là cuộc đối đầu trực tiếp giữa ông Macron và bà Le Pen sẽ diễn ra vào ngày 7/5. Nhiều dự đoán của các chuyên gia, chính trị gia (như Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls...) và truyền thông thế giới đều nghiêng về gương mặt trẻ Emmanuel Macron.

Nhận định này càng được củng cố khi các ứng viên rớt vòng sơ bộ đã kêu gọi người ủng hộ của họ chuyển sang bỏ phiếu cho ông Macron, cản nữ ứng viên phe cực hữu Le Pen lên làm Tổng thống. Nếu dựa trên khảo sát kết quả vòng sơ bộ đến nay, khoảng 75% cử tri hợp pháp của Pháp không ủng hộ bà Le Pen và có vẻ, họ sẽ không thay đổi ý kiến trong tương lai. Nhiều cuộc khảo sát về ứng viên sẽ chiến thắng chung cuộc cho thấy, kết quả có thể là 60-40, nghiêng về phía ông Macron.

Tuy nhiên, các nhà quan sát không dám khẳng định chắc chắn bởi cuộc bầu cử Pháp lần này diễn ra theo chiều hướng khó đoán nhất trong lịch sử. Chưa kể, thế giới nói chung và người dân Mỹ nói riêng mới trải qua cuộc bầu cử đầy bất ngờ tại Mỹ. Thời điểm đó, khi sát giờ công bố kết quả, phần lớn các cuộc khảo sát đều cho thấy, ứng viên Hillary Clinton đánh bại ứng viên Donald Trump nhưng kết quả chung cuộc lại khiến mọi người “té ngửa”.

Ngoài ra, trước thềm bầu cử, Pháp xảy ra khủng bố ngay tại đại lộ nổi tiếng Champs Elysees khiến 1 cảnh sát thiệt mạng. Nhiều chuyên gia, chính trị gia, trong đó có ông Donald Trump nhận định rằng, vụ việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới bầu cử Pháp. Trong đó, ứng viên Le Pen là người có cùng quan điểm chống người nhập cư để đảm bảo an ninh.

Ý nghĩa với EU và thế giới

Nếu theo kịch bản ông Emmanuel Macron trở thành Tổng thống Pháp, nhiều nhà phân tích cho rằng, diễn biến này sẽ chấm dứt thời kỳ bất ổn chính trị tăng cao tại khu vực châu Âu, bắt đầu nổi lên từ khi Anh trưng cầu dân ý rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit). Chiến thắng của ông Emmanuel Macron chứng minh rằng: Người Pháp muốn sự ổn định. Có thể ông Emmanuel sẽ là vị Tổng thống trẻ nhất, chưa bao giờ trải qua các vị trí chính trị dân cử nào nhưng ông dày dặn kinh nghiệm về ngân hàng, đầu tư, từng là cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp.

Nói về ảnh hưởng từ chiến thắng của ông Macron với châu Âu, triển vọng trong ngắn hạn và trung hạn khu vực này sẽ ổn định hơn vì ông là người ủng hộ khu vực đồng tiền chung châu Âu, liên minh châu Âu nhất trong số các ứng viên Tổng thống.

Thực tế, ngay sau khi kết quả khảo sát bỏ phiếu sơ bộ được công bố, đồng euro tăng mạnh so với đồng USD ở mức cao nhất trong năm nay (tăng 1,8%). Đồng bảng Anh cũng tăng 0,3% so với đồng USD. Thị trường chứng khoán Pháp ngày 24/4 tăng trưởng cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Chỉ số CAC 40 tại Paris tăng vọt 4%, đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2015. Về chính trị, việc ông Macron chiến thắng là một lời khẳng định cho sự thống nhất của liên minh châu Âu trong bối cảnh khu vực này phần nào rạn nứt vì cuộc trưng cầu Brexit.

Với thế giới, khi không còn mối đe dọa với khu vực đồng tiền chung châu Âu, đồng nghĩa các nhà phân tích kinh tế có thể tự tin khẳng định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng. Năm ngoái, bất ổn chính trị và chủ nghĩa dân túy nổi lên khiến các nhà đầu tư khá rụt rè lo ngại. Nay, nếu Pháp thể hiện ủng hộ chủ nghĩa ôn hòa và củng cố khu vực châu Âu, những đe dọa bất ổn về thị trường và giá cả phần nào dịu bớt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.