Công tác trọng tài tại V-League để lại nhiều ấn tượng xấu |
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nêu ý tưởng chuyển Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật sang trực thuộc Ban Tổ chức giải, nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều hành, tổ chức.
Đã bắt được bệnh
Ngay trong ngày được bầu làm Chủ tịch HĐQT VPF, ông Trần Anh Tú tiết lộ, VPF sẽ có văn bản gửi tới Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đề xuất chuyển Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật trở thành tiểu ban của Ban Tổ chức giải. Việc hai ban chuyên môn trên trực thuộc Ban Tổ chức giải vốn là xu hướng tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp, tạo sự thuận lợi trong quá trình điều hành, tổ chức các giải đấu.
Còn nhớ, cuối mùa giải V-League 2017, VPF đã gửi công văn tới VFF với nội dung chính: Đề nghị tăng cường các giải pháp cho công tác đào tạo trọng tài cả về chất và lượng; điều chỉnh bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng như rà soát lại quy trình phối hợp giữa Ban Kỷ luật và Ban tổ chức giải; bổ sung hoàn thiện Quy định kỷ luật phù hợp hơn với tình hình thực tế. Rõ ràng, VPF nhìn nhận được hai tồn tại nổi cộm ở V-League là công tác trọng tài và bạo lực sân cỏ.
Nhiều mùa giải gần đây, trọng tài luôn trở thành điểm nóng khi mỗi vòng đấu đều có sai sót, thậm chí sai sót nghiêm trọng của các vị vua áo đen. Trong khi đó, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn. Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật đương nhiên không thể tránh khỏi trách nhiệm. Bỏ qua yếu tố tiêu cực, phải thừa nhận rằng, chất lượng trọng tài Việt Nam nhìn chung ở mức thấp, không đáp ứng được yêu cầu ngày một cao ở sân chơi V-League. Việc Ban Kỷ luật xử lý thiếu nhất quán cũng gián tiếp dung túng cho những hành vi phi thể thao.
Đáng nói hơn, sự phối hợp giữa Ban Tổ chức giải và Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật chưa thực sự chặt chẽ. Nhiều vụ việc, Ban Tổ chức nói đã chuyển hồ sơ nhưng Ban Kỷ luật nói chưa nhận được, dẫn tới kéo dài thời gian xử lý. Tương tự, Ban Tổ chức chỉ biết danh tính trọng tài một ngày trước thời điểm trận đấu diễn ra.
Có nên kỳ vọng?
Giải thích cho đề xuất của mình, ông Trần Anh Tú nói: “VPF muốn thành lập Tiểu ban Trọng tài và Tiểu ban Kỷ luật, thuộc Ban Tổ chức giải. Hai tiểu ban này sẽ có người của Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài VFF cử sang, chịu trách nhiệm cùng phối hợp điều hành để giải đấu tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Còn Ban Kỷ luật và Ban Trọng tài VFF theo quy định của FIFA vẫn phải thuộc sự quản lý của VFF”. Khi được hỏi về ý tưởng của bầu Tú, ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký VFF cho biết: “VFF chưa nhận được đề xuất bằng văn bản cụ thể. Hơn nữa, nếu VPF có đề xuất thì cũng phải đưa ra Ban Chấp hành quyết định”.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành VFF cho rằng, ở các nền bóng đá tiên tiến, Tiểu ban Kỷ luật, Tiểu ban Trọng tài trực thuộc Ban Tổ chức và hoạt động hiệu quả nhờ sự minh bạch. Còn với bóng đá Việt Nam, khi những mối quan hệ chồng chéo, việc để Ban Tổ chức nắm công tác kỷ luật, công tác trọng tài có thể còn gây hậu quả xấu. “Theo quan điểm của tôi, Ban Kỷ luật và Ban Trọng tài vẫn nên độc lập với Ban Tổ chức. Tuy nhiên, VFF phải cải tổ lại hai ban này, đưa ra những quy định để cả hai hoạt động thực sự hiệu quả chứ không phải như thời gian qua, gây bức xúc dư luận”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nói. “Ông Trần Anh Tú là người quyết liệt, dám làm nhưng nền bóng đá Việt Nam có những thứ ăn sâu vào gốc rễ, không thể nói thay đổi là thay đổi được. Ông Tú có thể làm tốt, tạo ra vài thay đổi nhưng đột phá thì khó kỳ vọng”, ông Hải nhận định.
Cùng quan điểm, chuyên gia Trịnh Minh Huế chỉ ra mấu chốt vấn đề không nằm ở việc điều chuyển hai ban chuyên môn nói trên. “Các ông chủ đội bóng đều nằm trong Ban Chấp hành VFF, nay lại thuộc Hội đồng quản trị VPF. Như vậy làm sao đảm bảo sự công minh khi điều hành giải đấu. Đội bóng của các ông, Ban Tổ chức cũng do các ông nắm thì chả ban nào xử lý được cả. Nếu muốn thực sự cải tổ, bộ máy VFF, VPF phải là người có nghề, độc lập với các đội bóng, còn thành lập ban nọ ban kia thì cũng như đánh bùn sang ao mà thôi”, ông Huế nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn Bóng đá HAGL và ông Nguyễn Đông Giang, Chủ tịch Sài Gòn FC lại bày tỏ tin tưởng và ủng hộ ý tưởng của bầu Tú. “Mô hình cũ chúng ta thực hiện lâu nay không hiệu quả. Vậy, tại sao không làm theo một mô hình mới? Theo tôi, nếu thực hiện được như đề xuất của anh Tú thì quá tốt. Ban Tổ chức có thể điều chỉnh, can thiệp để công tác trọng tài, công tác kỷ luật thực sự đi đúng hướng, hỗ trợ cho việc điều hành giải đấu hoàn thiện hơn, đẹp hơn trong mắt người hâm mộ”, ông Tấn Anh nhìn nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận