Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo UBND TP. Nha Trang kiểm tra, xử lý việc Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa Trần Lê Hữu Thọ có cách ứng xử không đúng mực khi đi tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ gây xôn xao mạng xã hội.
Chủ tịch UBND TP Nha Trang - Nguyễn Sỹ Khánh cho biết, ngay khi nắm được thông tin vụ việc đã yêu cầu phường Vĩnh Hòa trả xe, giấy tờ cho nam công nhân. Đồng thời chỉ đạo chủ tịch các phường trong thành phố kiểm tra, nhắc nhở hành vi ứng xử và hướng dẫn người dân chấp hành tốt Chỉ thị 16.
Còn ông Trần Văn Đông, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Hòa thông tin, hiện nay phường đã phân công bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch UBND phường làm nhiệm vụ Trưởng ban phòng, chống dịch Covid-19 của phường thay cho ông Trần Lê Hữu Thọ. Phường điều ông Thọ về quản lý các điểm bị phong tỏa liên quan các ca nhiễm trên địa bàn
Phường Vĩnh Hòa đang chờ ý kiến cấp trên về việc xử lý kỷ luật ông Thọ vì đã có lời nói, ứng xử không chuẩn mực với người dân trong khi thi hành công vụ.
Liên quan sự việc, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa chiều qua (19/7) ra văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội.
Văn bản do bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, ký xác định hàng hóa thiết yếu bao gồm:
- Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau củ quả (các sản phẩm từ rau củ quả) , trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).
- Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân, nước uống, nước ngọt đóng chai, thùng, lon…
- Thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.
- Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông như: xăng dầu, gas, khí đốt và các nguyên, nhiên liệu khác phục vụ sản xuất, đời sống như dịch vụ cung cấp điện, nước; thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
Về phần lương thực, văn bản này nêu rõ gồm: Gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ tinh bột).
Nếu theo văn bản này thì bánh mì là sản phẩm từ tinh bột, là mặt hàng lương thực thiết yếu.
Anh Em vừa bị công ty cho nghỉ việc 1 tháng
Liên quan đến sự việc này, PV đã liên hệ với người công nhân trong clip là anh Trần Văn Em (SN 1996, trú Diên Khánh, Khánh Hòa), là công nhân hàn nhôm của một nhà thầu thầu phụ tại Dự án Vega City Nha Trang. Anh Em cho hay vừa bị công ty cho nghỉ việc 1 tháng.
Anh Em kể, chiều 18/7, vì đói bụng, cần ăn một chút để có sức làm việc tiếp nên anh đã xin quản lý đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Đến 15h30, anh bị lực lượng chức năng P. Vĩnh Hòa dừng xe kiểm tra, xử lý vi phạm vì cho rằng ra đường khi không cần thiết. Anh bị thu chứng minh nhân dân, đưa xe về phường.
“Tuy nhiên, khi về lại giám đốc thông báo cho tôi nghỉ việc 1 tháng, tháng sau có việc thì kêu đi làm. Khi nghỉ tôi được nhà thầu phụ trả cho 2,5 triệu đồng vì chưa làm đủ ngày công”, anh Trần Văn Em chia sẻ.
Được biết, anh Em hiện đang ở trọ, trước khi bị nghỉ việc, lương trung bình 6 triệu đồng/tháng. Số tiền này anh cố gắng trang trải cuộc sống hằng ngày, đồng thời gửi về cho ba mẹ ở quê và 2 em nhỏ của mình.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền 2 clip về một người công nhân xuất trình giấy tờ ở chốt kiểm soát, giải thích lý do ra đường để mua bánh mì nhưng cán bộ kiểm soát chốt chặn không đồng tình vì cho rằng đi mua đồ ăn là không thiết yếu.
Đặc biệt, khi làm việc tại trụ sở phường, vị cán bộ phường còn khẳng định "bánh mì không phải là lương thực thiết yếu".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận