Chiều 28/1, phiên xét xử sơ thẩm Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") cùng các cựu tướng, tá của Bộ Công an gồm ông Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân (cựu thứ trưởng Bộ Công an), Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, tức Tổng cục V, Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (cựu phó cục trưởng) về hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả tiếp tục với phần xét hỏi.
Đại diện VKS tham gia xét hỏi bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, toàn bộ tiền góp vào công ty là do bị cáo bỏ ra?
Thưa HĐXX và đại diện VKS, toàn bộ số tiền của công ty Bắc Nam 79 là do gia đình bị cáo lo.
Vậy tại sao khi đăng ký kinh doanh lại ghi tỷ lệ phần trăm vốn góp khác?
Để trả lời câu hỏi này xin HĐXX hỏi anh Phan Hữu Tuấn.
Tại sao lại như vậy?
Câu hỏi này anh Tuấn (bị cáo Phan Hữu Tuấn) trả lời trước bị cáo thì rõ hơn.
Bị cáo khai trước HĐXX sáng nay, tỷ lệ phần trăm ghi như thế khi thành lập 2 công ty là do bị cáo nghĩ ra hay có ai chỉ đạo không?
Thực sự để trả lời câu hỏi này phải làm rõ.
Bị cáo không chối tội, không quanh co, bị cáo làm gì thì bị cáo nhận.
Đề nghị cho anh Tuấn trả lời trước. Lúc đó bảo sao thì bị cáo làm vậy.
Anh Tuấn giao bị cáo làm kinh tế thì bị cáo làm kinh tế, còn các thủ tục còn lại thế nào bị cáo không rõ lắm.
Thủ tục này do bị cáo Tuấn chỉ đạo?
Cũng không đúng. Anh Tuấn giao bị cáo làm kinh tế thì lúc đầu cũng có gợi ý, có nhắc là công ty CP Xây dựng Bắc Nam 70% rồi Tổng cục V Bộ Công an 20% và tình báo của Công an TP Đà Nẵng 10%. Ban đầu như vậy nhưng sau không phải vậy mà sau là hoàn toàn tiền của bị cáo.
Bị cáo có được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của ngành không?
Bị cáo chỉ được Tổng cục V, trực tiếp là anh Tuấn giao nhiệm vụ làm kinh tế, phát triển tiềm lực ngành, ngoài ra bị cáo không được giao bất cứ nhiệm vụ nào về hoạt động nghiệp vụ.
Mục đích phát triển tiềm lực là gì? Tiềm lực kinh tế, cơ sở vật chất hay là gì?
Theo bị cáo hiểu, lúc đó bị cáo là tình báo viên, anh Tuấn nói nếu làm tình báo thì đầu tiên phải có năng lực về tài chính, để Tổng cục V Bộ Công an nhìn thấy bị cáo có khả năng thì anh Tuấn mới xây dựng và đào tạo bị cáo với mục tiêu chính là phát triển kinh tế, ngoài ra anh Tuấn không giao cho bị cáo bất cứ nhiệm vụ gì.
Bị cáo được giao nhiệm vụ thế có bằng văn bản không? Có kế hoạch gì không? Ví dụ kế hoạch phát triển tiềm lực kinh tế trong vòng bao nhiêu năm, lớn đến mức độ nào?
Tất cả việc giao nhiệm vụ cho bị cáo hoàn toàn không có văn bản nhưng chiến lược giao nhiệm vụ của anh Tuấn rất bài bản, có lộ trình, có thời gian chứ không thể hôm nay trồng, mai gặt hái được. Anh Tuấn đầu tư bị cáo là đầu tư lâu dài nhưng tiếc răng trong quá trình đầu tư thì anh Tuấn về hưu, bỏ bị cáo lại.
Tức là giao nhiệm vụ phát triển kinh tế nhưng không có kế hoạch gì?
Có kế hoạch nhưng HĐXX hỏi anh Tuấn thì rõ hơn, bị cáo chỉ làm kinh tế thôi.
Bị cáo chỉ là lính, đi làm kinh tế, xong thì báo cáo, không thể biết những nhiệm vụ tối mật.
Đại diện VKS mời bị cáo Phan Hữu Tuấn lên bục xét hỏi.
Bị cáo trình bày cho HĐXX biết việc giao nhiệm vụ cho Vũ nhôm có lập kế hoạch không?
Có lập kế hoạch, tất cả từ tuyển chọn Phan Văn Anh Vũ, đến định hướng, giao nhiệm vụ…
Bị cáo có lập kế hoạch phát triển tiềm lực kinh tế của 2 công ty bình phong không?
Giao nhiệm vụ bằng văn bản và đã báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt. Trong văn bản chỉ định hướng phát triển công ty bình phong cả về thương hiệu, cả về kinh tế. Lúc công ty mới thành lập chưa có đủ sức hoạt động nghiệp vụ thì xây dựng thương hiệu công ty trước. Khi công ty có đủ thương hiệu rồi thì mới dùng công ty làm bình phong hoạt động được.
Tức là không có kế hoạch cụ thể?
Có, đó là định hướng về công việc.
Trên thực tế, một dự án không thể khẳng định bao nhiêu năm, nhưng định hướng nó phải trở thành công ty bình phong mạnh, có thương hiệu quốc gia và quốc tế. Khi nó mạnh sẽ sử dụng vào công tác nghiệp vụ và tha hồ sử dụng vào rất nhiều việc.
Tức là không có kế hoạch cụ thể bao nhiêu năm, cũng không nói công ty phát triển lên bao nhiêu tiền đúng không?
Định hướng là xây dựng công ty có thương hiệu.
Động cơ, mục đích mà các bị cáo trực tiếp ký nháy các văn bản đề nghị các đơn vị hỗ trợ 2 công ty bình phong, ngoài nội dung trong văn bản thì bị cáo có động cơ mục đích gì khác không, có vụ lợi gì không?
Tôi rất muốn được hỏi câu này vì cáo trạng cáo buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, như thế thì phải có mục đích cá nhân mới lợi dụng, nhưng thời điểm đó chúng tôi hăm hở làm, hoàn toàn vì chuyên môn nghiệp vụ chứ không có mục đích tư lợi gì. Cả quá trình thực hiện rất lâu dài, chúng tôi làm rất nhiều dự án, nhưng không có tư lợi.
Bị cáo không tư lợi, nhưng khi hai dự án gồm dự án 319 Lê Duẩn, Đà Nẵng và dự án Công viên An Đồn cũ hơn 3.000 m2 được chuyển sang tên bị cáo Vũ thì bị cáo nghĩ thế nào?
Việc này tôi hoàn toàn không hề biết gì cả. Đất ở Lê Duẩn không có văn bản của Bộ Công an tôi không biết gì cả.
5 dự án liên quan tôi đã báo cáo HĐXX.
Khi tôi chuẩn bị nghỉ hưu, tôi hỏi anh Vũ xong cái nào chưa thì anh Vũ bảo chưa xong cái nào. 2 năm tôi nghỉ hưu tôi gặp lại hỏi anh Bách thì anh Bách cũng bảo chưa cái nào xong, chưa có cái nào bán đi, gặp anh Vũ thì anh Vũ cũng nói thế. 5 dự án này trước khi tôi nghỉ hưu vẫn không sử dụng sai mục đích, sau khi tôi nghỉ hưu 2 dự án đó mới chuyển sang tên anh Vũ.
2 dự án chuyển sang tên bị cáo Vũ, vì sao các bị cáo tiếp tục ký nháy, ký trực tiếp để Bộ Công an có văn bản hỗ trợ?
Nhiệm vụ, chức năng như thế, nếu sử dụng vào công tác nghiệp vụ thì rất tốt thôi. Việc xong rồi thì anh Vũ toàn quyền liên hệ, chỉ báo cáo khi hoàn thành, khi anh Vũ báo cáo chưa hoàn thành thì chúng tôi yên tâm.
VKS tiếp tục hỏi bị cáo Nguyễn Hữu Bách.
Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 100% do Vũ bỏ ra, vì sao ghi cổ phần 10% của Công an Đà Nẵng và 20% của Tổng cục V?
Thưa HĐXX, VKS, theo tôi được biết, mục đích của việc này vì đây là Công ty bình phong được Bộ Công an sử dụng nên muốn có sự tham gia trên danh nghĩa của các cơ quan để có thể sử dụng chính thức các công ty bình phong.
Có mục đích nào khác không?
Hoàn toàn không.
Ngoài nội dung trong các văn bản thì bị cáo có mục đích nào khác không, có vụ lợi không?
Bị cáo soạn thảo văn bản này hoàn toàn vì mục đích phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, hoàn toàn không có mục đích cá nhân.
Tại sao khi 2 dự án chuyển sang tên Vũ mà các bị cáo vẫn ký văn bản gửi Bộ Công an với lý do nghiệp vụ?
Với dự án 319 Lê Duẩn thì bị cáo hoàn toàn không biết vì không có bất cứ văn bản nào của Bộ Công an. Còn với dự án còn lại, bị cáo có duy nhất 1 lần soạn thảo công văn đề nghị lãnh đạo ký... 2 dự án đó trong quá trình công tác hoàn toàn bị cáo không biết.
Bị cáo nghĩ trách nhiệm của mình thế nào?
Khi được giao soạn thảo văn bản này thì văn bản này báo cáo Bộ trưởng, sau đó ý kiến Bộ trưởng chỉ đạo thế nào thì đơn vị và bị cáo hoàn toàn không biết.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận