Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định |
Chủ trương đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đang được Bình Định triển khai ra sao, thưa ông?
Đến nay, toàn tỉnh đã có 59 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng, đóng mới 58 tàu (thép 47 tàu, composite 6 tàu, gỗ 5 tàu) và nâng cấp 1 tàu vỏ gỗ với tổng số vốn cam kết cho vay 893.859 triệu đồng. Đã giải ngân cho 57 hợp đồng, với số tiền 831.676 triệu đồng. Dư nợ cho vay 826.064 triệu đồng. Hiện tại, có 54 tàu đóng xong và hạ thủy (52 tàu đi khai thác, 2 tàu chờ làm ngư lưới cụ), 4 tàu còn đang thi công.
Nhìn chung, các chính sách ban hành theo Nghị định 67 đã góp phần thúc đẩy ngành thủy sản của tỉnh phát triển, ngư dân có điều kiện đóng mới tàu cá công suất lớn, hiện đại, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; Cơ sở hạ tầng nghề cá được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngư dân địa phương.
Tuy nhiên, chính sách về đầu tư chưa được T.Ư bố trí vốn theo quy định; Chính sách hoàn thuế GTGT hướng dẫn chưa thống nhất; Chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển, chính sách về tín dụng lưu động, chính sách miễn thuế nhập khẩu… chưa thu hút đối với ngư dân. Số tiền vay lớn, tài sản thế chấp là tài sản hình thành bằng vốn vay (con tàu - PV) nên nhiều ngân hàng thương mại e ngại việc cho vay, làm cho kết quả thực hiện chính sách còn hạn chế.
Thực tế, Bình Định đang là “điểm nóng” về vấn đề tàu vỏ thép hư hỏng, theo ông đâu là nguyên nhân chính?
Bình Định có 20/47 tàu cá vỏ thép đóng mới bị hư hỏng. Nguyên nhân do hai công ty đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (15 tàu) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (5 tàu) thực hiện một số nội dung chưa đúng theo hợp đồng đã ký kết. Ngư dân chưa am hiểu về tàu vỏ thép và việc giám sát đóng mới. Vì thế, khi nhận bàn giao tàu, ngư dân chưa kiểm tra đầy đủ con tàu thực tế với hợp đồng thi công của cơ sở đóng tàu, dẫn đến chất lượng một số con tàu đóng mới chưa đúng với hợp đồng ký kết.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng |
Bình Định đã và đang xử lý tình trạng này thế nào, thưa ông?
UBND tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt việc yêu cầu hai công ty đóng tàu sửa chữa, khắc phục các hư hỏng cho ngư dân theo đúng hợp đồng đóng tàu đã ký kết. Đến nay, cả hai công ty trên đã cam kết và xây dựng phương án, kế hoạch sửa chữa, khắc phục các sự cố tàu bị hư hỏng về vỏ, máy tàu, trang thiết bị dưới sự giám sát của chủ tàu, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Tổ giám sát kỹ thuật của Sở NN&PTNT và các địa phương.
Sở NN&PTNT chỉ đạo thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch sửa chữa các tàu bị hư hỏng của các công ty đóng tàu. Nếu các cơ sở đóng tàu chây ì việc sửa chữa, Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT có chỉ đạo kiên quyết hơn để việc khắc phục, sửa chữa các tàu bị hư hỏng sẽ hoàn thiện trong tháng 9/2017.
“Trăm dâu đổ đầu… ngư dân”. Bình Định đang có những giải pháp gì hỗ trợ chủ tàu trước mắt và lâu dài, thưa ông?
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thống kê thiệt hại do tàu hư hỏng phải nằm bờ, không đi sản xuất và yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đền bù thiệt hại cho các chủ tàu đủ để chi trả kinh phí cho ngân hàng trong thời gian tàu nằm bờ không ra khơi khai thác. Hiện nay, UBND các huyện, thành phố chủ trì làm việc với từng chủ tàu thống kê, xác định các thiệt hại cụ thể do tàu bị hư hỏng, các chứng cứ xác thực, chứng từ kèm theo (nếu có) báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở NN&PTNT để làm cơ sở yêu cầu hai công ty đóng tàu đền bù thiệt hại cho các chủ tàu theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hãng tàu nói sẽ kiện tỉnh và ngư dân ra tòa vì mẫu tàu vỏ thép đã được trung tâm đăng kiểm kiểm nghiệm. Vì sao đến nay trách nhiệm cơ quan này vẫn chưa được làm rõ, xử lý, thưa ông?
Tỉnh đã kiến nghị làm rõ, truy trách nhiệm các bên, trong đó có xử lý trách nhiệm Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Bộ NN&PTNT. Theo tôi được biết, Bộ NN&PTNT đã có quyết định đình chỉ nhiệm vụ đối với hai đăng kiểm viên có liên quan trong việc kiểm tra các tàu cá đóng mới bị hư hỏng tại Bình Định.
Cảm ơn ông!
ÔNG TRẦN CHÂU, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH: Tỉnh chỉ đạo công an tiếp tục vào cuộc làm rõ, không để “trôi” vụ tàu thép hư hỏng. Tỉnh không đồng ý với các phương án sửa chữa chắp vá như đề xuất của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Nếu nói thay thế thép không đạt, làm sao biết còn bao nhiêu tấn thép không đạt. ÔNG VŨ VĂN TÁM, THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT: UBND tỉnh Bình Định cần mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn có chuyên môn sâu về vật liệu, phân tích kết quả giám định mẫu thép, căn cứ vào Quy chuẩn 21:2010/BGTVT, vào thực tiễn và hiệu quả... Quan trọng nhất, là phải làm sao hoàn thành việc sửa chữa tàu trong thời gian sớm nhất để ngư dân ra khơi, nhưng phải đảm bảo được chất lượng. ÔNG LÊ VĂN THỤC, CHỦ TỊCH HĐTV CÔNG TY TNHH ĐẠI NGUYÊN DƯƠNG: Chúng tôi sẽ kiện Bộ NN&PTNT, vì trước đó chính đơn vị này cắt mẫu kiểm tra cho chúng tôi đóng, giờ lại bắt chúng tôi phải tháo thép ra thay lại. Đối với 5 ngư dân, chúng tôi có đầy đủ chứng lý, số liệu để nói chuyện. Nếu hai bên thỏa thuận với nhau đến tháng thứ tư (tháng 11/2017) mà không được thì công ty sẽ làm hồ sơ gửi TAND TP Hà Nội kiện 5 ngư dân này. ÔNG NGUYỄN VĂN LÝ (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99004 TS: Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã vi phạm hợp đồng, giờ còn đòi kiện ngược ngư dân là không thể chấp nhận. Cách đây hơn một tháng, các bên ký cam kết đến ngày 30/8, công ty sẽ sửa xong tàu nhưng đến nay vẫn chưa bắt tay vào sửa chữa. Vĩnh Nhân (Lược ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận