7/10 mẫu thép trên các tàu vỏ thép đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không đạt mác A |
Chiều 14/8, sau buổi làm việc tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Phú Tài (Bình Định) với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương - đơn vị đóng tàu vỏ thép gây hư hỏng, nhiều chủ tàu mệt mỏi trước phương án sửa chữa chắp vá của đơn vị đóng tàu.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS, giữa ngư dân và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vẫn chưa thống nhất phương án sửa chữa tàu vỏ thép hư hỏng. Ngư dân đành chấp nhận sửa tàu chắp vá để sớm ra khơi.
“Hiện tại, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương than hết tiền sửa tàu, nếu làm căng quá công ty phá sản “chạy làng” thì ngư dân lại thiệt thòi. Còn nếu sửa chữa chắp vá tàu dễ phát sinh hư hỏng khi ra khơi, ngư dân lại gặp khó. Chúng tôi đang nợ nần chồng chất. Giờ chỉ muốn có tàu sớm để ra khơi đánh bắt, kiếm tiền trả nợ ngân hàng, nên tôi đã đồng ý chỉ sơn lại vỏ tàu, lắp lại đủ bóng đèn và sửa hầm bảo ôn. Chứ họp tới họp lui mà phía công ty đóng tàu cứ chây ỳ như thế thì biết bao giờ mới đi biển được”, ông Lý ngán ngẩm.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, hiện có 25 chủ “tàu thép 67” của tỉnh này nợ quá hạn ngân hàng với tổng số tiền hơn 12,8 tỉ đồng, trong đó nợ gốc hơn 8,5 tỉ đồng và tiền lãi hơn 4,3 tỉ đồng. Nguyên nhân các chủ tàu không thể trả nợ đúng hạn do 20 tàu vỏ thép được đóng mới tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương hư hỏng nằm bờ nhiều tháng nay. |
Trước đó, theo công bố của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định về kết quả thẩm định 10 mẫu thép cuối cùng ở boong và đáy 5 tàu vỏ thép hư hỏng đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho thấy, chỉ có 1 tàu thép đạt chuẩn mác A, còn 7/10 mẫu thép của 4 tàu còn lại không đạt mác A theo QCVN 21:2010/BGTVT, gồm tàu của các ông: Nguyễn Văn Lý, ông Trần Minh Vương, Nguyễn Văn Mạnh và Mai Văn Chương. Riêng ông Mạnh và ông Chương không đồng ý phương án chắp vá chỉ thay thép không đạt mác A, mà phải thay toàn bộ thép theo đúng hợp đồng.
Theo ông Chương (trú huyện Phù Cát, Bình Định) - chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99179 TS, tiền bảo hành 5% trong tổng giá trị con tàu của ông đang được phía ngân hàng giữ. “Phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đề nghị chúng tôi ký giấy để ngân hàng giải ngân 150 triệu đồng từ tiền bảo hành để họ mua sơn nhưng chúng tôi không đồng ý. Vỏ tàu còn chưa thống nhất phương án sửa thay thế hay chắp vá thì mua sơn làm gì?”, ông Chương nói.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng Đăng kiểm Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT), hiện tại, các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải làm bản kế hoạch, trong đó trình bày cụ thể những phương án, khâu đoạn của việc thay thế, khắc phục thép. Sau đó, sẽ gửi kế hoạch đó lên Sở NN&PTNT Bình Định để trình lên UBND tỉnh này. Khi các cơ quan chứng năng tỉnh xem xét xong, nếu UBND tỉnh Bình Định đồng ý đi đến thống nhất kế hoạch, thì cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm tra về an toàn kỹ thuật. Thế nhưng, đến thời điểm này, phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vẫn chưa có báo cáo.
Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, quan điểm của tỉnh trước sau vẫn vậy, phải thay lại thép theo đúng hợp đồng cho ngư dân, không có chuyện chắp vá hay khắc phục. Trước ký hợp đồng với ngư dân thép gì thì nay phải thay thế lại thép như trong hợp đồng. Những thép không đảm bảo, không đạt mác A phải tháo ra thay thế lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận