Công nhân sửa chữa máy tàu cá vỏ thép hư hỏng tại Nhà máy Đóng tàu Tam Quan (Bình Định) |
Chỉ thay phụ tùng, không thay máy mới
Sau nhiều lần làm việc, giữa ngư dân và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) vẫn chưa thống nhất phương án sửa chữa tàu cá vỏ thép hư hỏng. Tại buổi đối thoại sáng ngày 3/8, ngư dân đã phải “xuống nước” trước công ty đóng tàu với mong muốn nhanh chóng khắc phục được hư hỏng tàu cá cho ngư dân vươn khơi.
Tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (trú huyện Phù Mỹ, Bình Định) được lắp máy của hãng DOOSAN (Hàn Quốc), đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu mới đi được 2 chuyến biển nhưng chuyến nào cũng gặp sự cố ở máy tàu. Nhiều lần làm việc trước đó, ngư dân Sơn yêu cầu công ty đóng tàu phải thay máy mới. Nhưng lần này, tàu cá nằm bờ quá lâu, nợ nần bủa vây khiến ông Sơn phải chấp nhận thay thế phụ tùng theo công ty đóng tàu.
Tại Hội nghị tổng kết Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản ngày 1/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo: Xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm trong việc đóng mới tàu cá không đảm bảo chất lượng; chấn chỉnh công tác đăng kiểm, cũng như rà soát toàn diện các cơ chế, chính sách, quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tàu đóng cho ngư dân theo Nghị định 67 đạt chất lượng cao nhất, để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển. |
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, việc tàu cá vỏ thép của ngư dân Trần Đình Sơn hư hỏng có sơ suất của cả ngư dân lẫn cơ sở đóng tàu. Lúc máy tàu hư hỏng, phía nhà máy đóng tàu thay thế phụ tùng nhưng không đồng bộ. Bằng chứng là ông Sơn đã dẫn các thành viên đại diện hãng máy DOOSAN cùng Tổ thẩm định của tỉnh Bình Định xuống tàu của mình để đối chiếu những lỗi của máy tàu. Sau đó, ông Sơn lấy 12 cái piston trong máy tàu lên, trong đó có 3 cái piston khác hẳn với 9 cái còn lại.
“Hiện, phía hãng máy DOOSAN không đồng ý thay máy mới như yêu cầu của ngư dân Sơn và UBND tỉnh Bình Định mà làm theo cơ chế bảo hành toàn cầu của công ty này. Nếu chủ tàu và cơ sở đóng tàu không thống nhất phương án sửa chữa thì phải ra tòa giải quyết và mất thời gian rất dài, tàu tiếp tục phải nằm bờ, ngư dân tiếp tục gánh nợ”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ngư dân Trần Đình Sơn phải ngậm ngùi đồng ý là chỉ thay thế phụ tùng. Nhưng ông Sơn cũng đề nghị sau khi thay phụ tùng phải có chế độ bảo hành 36 tháng cho máy tàu vì ông không tin chất lượng của máy tàu hiện tại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đại diện công ty này đến dự buổi họp nhưng không tự quyết được đề nghị của ngư dân phải gọi điện hỏi ý kiến lãnh đạo công ty. Sau một hồi, vị giám đốc này hồi đáp là công ty không bảo hành 36 tháng như yêu cầu của ông Sơn mà chỉ bảo hành 12 tháng như chế độ bảo hành của máy mới.
Ông Sơn lại tiếp tục xuống nước, đồng ý bảo hành 12 tháng, nhưng với yêu cầu nếu trong thời gian bảo hành mà máy tiếp tục hỏng với lý do khách quan, không phải lỗi của ngư dân thì công ty đóng tàu phải thay máy mới. Vì rõ ràng là máy tàu kém chất lượng. Lúc này vị giám đốc xí nghiệp lại tiếp tục gọi điện cho lãnh đạo công ty xin ý kiến nhưng không có câu trả lời cụ thể.
Bức xúc hoàn bức xúc
Ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99016 TS (trú huyện Phù Cát, Bình Định) bức xúc nói rằng, qua nhiều cuộc họp, Công ty TNHH MTV Nam Triệu cứ cử những người không đủ thẩm quyền đến dự họp, trong khi những ý kiến của ngư dân đã rất rõ ràng nhưng không có câu trả lời, gây khó cho cuộc họp và cho ngư dân.
Ông Thãi yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải có phương án sửa chữa tàu cụ thể để ngư dân biết. Từ lúc được kéo ra cảng Tam Quan đến nay, tàu vẫn chưa xong môt công đoạn nào. “Tiến độ quá chậm thế này, lại sắp tới mùa mưa bão thì hết năm nay cũng chưa sửa xong. Ngân hàng mới thông báo nợ quá hạn là 498 triệu đồng. Sắp tới ngày 28/8 phải trả tiền quý III là 400 triệu đồng tiền nợ gốc. Nếu hết tháng 8 mà công ty không sửa xong tàu thì tôi trả lại tàu, công ty hoàn tiền lại để tôi trả nợ ngân hàng”, ông Thãi nói.
Trong khi đó, ngư dân Trần Văn Hạo, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99029 TS cho biết, sổ đỏ của ông bị Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Bình Định giữ đến nay chưa trả. “Trong khi đó, tiền nợ ngân hàng đã quá nhiều. Phía ngân hàng nói nếu không trả nợ đúng hạn sẽ niêm phong nhà”, ông Hạo lo lắng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận