Tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2020, nhìn lại 1 năm hoạt động xuất khẩu lao động, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TBXH cũng chia sẻ câu chuyện về 39 người Việt thiệt mạng trong container tại Anh hồi tháng 10 năm 2019.
“Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm, thường xuyên cảnh báo người lao động về những chiêu trò lừa đảo, những rủi ro khi ra nước ngoài làm việc bằng những kênh bất hợp pháp. Tuy nhiên không hiểu sao lao động chui vẫn xảy ra. Chúng tôi cũng không biết phải trả lời như thế nào! Tôi cũng xin nhấn mạnh lao động chui là bất hợp pháp mà đã không hợp pháp thì không thuộc đối tượng Bộ LĐTBXH quản lý. Cụ thể trường hợp 39 công dân tại Anh ngay từ đầu không được xác định là đi lao động mà là xuất cảnh bất hợp pháp sau đó ở lại tìm việc làm. Tôi chỉ giải thích như vậy để thấy rõ trách nhiệm từng cơ quan chức năng bộ ngành như thế nào”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, tại Việt Nam hiện có 4 kênh xuất khẩu lao động hợp pháp gồm thông qua doanh nghiệp dịch vụ tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp trúng thầu đầu tư ở nước ngoài, hình thức thực tập nâng cao tay nghề và hợp đồng cá nhân. “Ngay cả trường hợp đi theo hợp đồng cá nhân cũng phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký với sở LĐ-TBXH nơi người lao động cư trú để xem xét các hợp đồng giả hay thật, điều kiện nghĩa vụ trong hợp đồng có đảm bảo phù hợp với luật pháp Việt Nam hay không?”, ông Nam nói và nhấn mạnh: “Người lao động nên đi đúng kênh hợp pháp, gặp đúng doanh nghiệp được cấp phép; Khi đi làm các thủ tục đều phải có giấy tờ công khai minh bạch. Có như vậy khi xảy ra vấn đề cơ quan nhà nước mới có cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động”.
Việt Nam hiện có khoảng 650 nghìn lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Theo thống kê, năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152.530 lao động. Trong đó Nhật Bản đứng đầu với hơn 82.700 lao động, Đài Loan 54.480 lao động, Hàn Quốc hơn 7.200 lao động, Rumani hơn 3.400 lao động, Ả Rập Saudi gần 1.400 lao động…
Cũng trong năm 2019, Bộ LĐ-TBXH đã cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài mới cho 63 doanh nghiệp, nâng số lên 421 doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận