Phát ngôn viên không quân và quan chức Indonesia cho biết đã phát hiện vết dầu tràn và một số vật thể trên biển tại khu vực tìm kiếm máy bay mất tích nhưng sau khi xác định, vật thể này không phải là của chiếc máy bay QZ8501.
Liên tiếp tin sự cố máy bay trong ngày 29/12
Hôm nay, chiếc Boeing 737-800 của Jet Airways khởi hành từ thành phố Mumbai của Ấn Độ đã bốc cháy khi hạ cánh tại sân bay Kathmandu (Nepal).
Tổng giám đốc sân bay quốc tế Tribhuvan ở Kathmandu Birendra Shrestha cho biết máy bay đã đâm phải một con chim. Khi con chim bị hút vào bên trong động cơ bên trái của máy bay và gây cháy khi máy bay vẫn trên không trung. Hành khách và phi hành đoàn vẫn an toàn.
Hãng hàng không Porter Airlines của Canada cũng vừa cho biết: Hôm qua hai máy bay của hãng này phải hạ cánh khẩn cấp sau khi phát hiện thấy khói trong các khoang. Một cất cánh từ sân bay Billy Bishop ở Toronto đã chuyển hướng xuống sân bay Pearson ở ngoại ô Toronto vì phi hành đoàn phát hiện thấy khói trên máy bay và một trong hai động cơ đã dừng hoạt động. Một chiếc khác từ Toronto đến Washington phải chuyển hướng sang thị trấn Williamsport thuộc bang Pennsylvania sau khi phát hiện sự cố tương tự.
Cũng trong ngày 29/12, một máy bay Airbus A320 của hãng hàng không AirAsia Zest chở 184 người đã gặp sự cố về lốp ở thành phố Tagbilaran (Tác-bi-la-ran), miền Trung Philippines, khiến hãng hàng không có một phần thuộc sở hữu của AirAsia Philippines này phải hủy chuyến bay.
Phi công xin bay cao hơn nhưng chỉ được phép bay chệch sang trái
Các phi công của máy bay QZ8501 đã yêu cầu bay ở độ cao cao hơn vì thời tiết xấu, nhưng yêu cầu này bị từ chối. Tờ Straits Times dẫn lời Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Indonesia Djoko Murjatmodjo cho biết “Kiểm soát không lưu chỉ đồng ý cho chiếc máy bay này bay chệch sang trái, bởi có một chiếc máy bay khác đang bay ở độ cao 38.000 feet mà QZ8501 yêu cầu”.
Giới chức Indonesia - nước dẫn đầu quộc tìm kiếm nói rằng, diện tích tìm kiếm được chia làm 7 khu vực |
Diễn biến chính sự kiện mất tích tàu bay chở 162 người
* Máy bay AirAsia số hiệu QZ8501 mất tích ngày 28/12 khi đang di chuyển từ Indonesia sang Singapore, chở theo 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn.
* Chuyến bay QZ8501 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu lúc 6h17 ngày 28/12 (giờ địa phương, tức 23h17 GMT), ngay sau khi có yêu cầu được nâng độ cao để tránh thời tiết xấu.
* Không có người Việt Nam nào trên chuyến bay này. Phía Việt Nam cho biết sẵn sàng hỗ trợ công tác tìm kiếm. Thêm Hàn Quốc thông báo tham gia, nâng tổng số nước tham gia cứu hộ tìm kiếm lên con số 5.
* Indonesia đã cử 12 tàu hải quân, 5 máy bay, 3 trực thăng và một số tàu chiến tham gia phối hợp cùng nhiều tàu và máy bay từ Singapore, Malaysia để phối hợp tìm kiếm
* Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và cứu hộ Quốc gia Indonesia nói, có khả năng máy bay đã bị rơi xuống biển.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay mất tích chờ tin ở sân bay quốc tế Juanda, Surabaya |
Phó Tổng thống Indonesia: Chúng tôi sẽ không từ bỏ
Theo CNN, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla (bên trái trong ảnh) trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp gỡ với các thân nhân những hành khách trên máy bay QZ8501 mất tích. Tại đây, ông Kalla cho biết, những vết dầu và vật thể được tìm thấy không thể xác định là của chiếc máy bay mất tích.
Cũng tại cuộc họp báo cuối chiều nay, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết, thời tiết trên biển đang xấu dần đã cản trở những nỗ lực tìm kiếm của các đội cứu hộ, nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ hoặc thiết lập giới hạn nào cho việc tìm kiếm.
Phó Thủ tướng Indonesia khẳng định không từ bỏ tìm kiếm dù thời tiết đang xấu dần đi |
Chưa thể khẳng định vết dầu là của máy bay QZ8501
Sri Lestari thuộc đội cứu hộ Indonesia cho biết: Thời tiết tại khu vực tìm kiếm khá tốt, mặt nước tương đối yên tĩnh. Đội tìm kiếm nhìn thấy váng dầu trong nước nhưng chưa thể khẳng định liệu có phải của máy bay QZ8501.
Một cảnh sát Indonesia chỉ vào bản đồ khu vực trung tâm trong cuộc tìm kiếm. Ảnh: Reuters |
Vật thể mảnh vỡ không phải của máy bay mất tích
Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức Indonesia cho biết, vật thể mà máy bay Austrailia phát hiện không phải là của chiếc máy bay QZ8501 mất tích.
"Chúng tôi chỉ biết chờ đợi tin tức"
Oei Endang Sulsilowati và con gái đang chờ đợi thông tin về anh trai cùng vợ và hai đứa con của họ trên chuyến bay mất tích nói: "Chúng tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi chỉ biết chờ đợi tin tức”.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành AirAsia Tony Fernandes cho biết: "Mối quan tâm của chúng tôi ngay bây giờ là những người thân và thân nhân của những hành khách mất tích.
Phó Tổng thống Indonesia gặp thân nhân các hành khách trên chuyến bay mất tích tại Sân bay Juanda ở Surabaya |
Tai nạn QZ8501 là sự cố hàng không thứ 111 trong năm nay
Máy bay AirAsia mất tích là sự cố thứ 111 trong năm nay. Lần cuối cùng trên thế giới có 111 vụ tai nạn hàng không là vào năm 1927, CNN dẫn theo Aircraft Accidents Archives có trụ sở tại Geneva (Thuỵ Sĩ).
Máy bay vẫn là phương tiện an toàn nhất Hãng tin CNN dẫn lời ông Peter Goelz, cựu giám đốc điều hành của Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho biết, máy bay vẫn là phương tiện an toàn nhất thế giới. Theo đó, có khoảng 1,24 triệu người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đường bộ, theo WHO. Trong khi đó, năm đẫm máu nhất của ngành hàng không là năm 1972 với 3.346 trường hợp tử vong.
Cảnh sát biển Indonesia cầu nguyện trên một tàu tìm kiếm trước khi bắt đầu hoạt động tìm kiếm cứu hộ |
Thêm một máy bay của AirAsia trục trặc tại Philippines
Hôm nay, Người phát ngôn Cơ quan hàng không dân dụng Philippines Eric Apolonio cho biết, thêm một máy bay của AirAsia trục trặc ở Philippines. Chiếc Airbus A320 của AirAsia Zest chở 184 người đã gặp phải vấn đề về lốp ở thành phố Tagbilaran, miền trung Philippines, buộc hãng hàng không này phải hủy chuyến bay.
AirAsia Zest hiện có một phần thuộc sở hữu của hãng AirAsia Philippines. Hiện chưa có giải thích cụ thể về cho sự cố.
Vẫn đặt giả thiết máy bay đang ở dưới biển
Trong cuộc họp báo chiều nay, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia - Bambang Soelistyo nhận định khả năng máy bay gặp nạn trên biển và hiện đang ở dưới đáy biển. Tuy nhiên, Indonesia không có các công cụ, thiết bị, phương tiện lặn biển phù hợp để tìm kiếm và sẽ phải nhờ tới sự giúp đỡ của các nước khác trong trường hợp cần thiết.
Tìm kiếm ở độ sâu 40-50m
Lực lượng cứu hộ Indonesia đang tìm kiếm ở độ sâu 40 – 50 mét dưới biển và nước này cũng đã chấp nhận đề xuất của Singapore về việc cử 4 chuyên gia từ Cục điều tra tai nạn hàng thông thuộc Bộ Giao thông và 2 máy bay C-130, 4 tài hải quân trợ giúp tìm kiếm, theo Channelnews Asia.
Hải quân Indonesia phối hợp tìm kiếm chiếc máy bay mất tích |
Triển khai 6 tàu khu trục KRJ tiến hành tìm kiếm
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, hải quân nước này đã triển khai 6 tàu khu trục KRJ tiến hành tìm kiếm tại các vùng biển Louth, Kilkenny, Tanjung Pinang, Pontianak, Jambi và Jakarta, trong khi không quân đã triển khai thêm 2 trực thăng tham gia tìm kiếm, theo Jakarta Post.
Phó Tổng thống Indonesia gặp thân nhân các hành khách trên chuyến bay mất tích tại Sân bay Juanda ở Surabaya |
Đang xác định vật thể mảnh vỡ
Phóng viên Michael Bachelard của tờ The Age cho biết, các lực lượng cứu hộ đang cố gắng xác nhận vật thể mảnh vỡ mà máy bay quân sự Orion Australia phát hiện trong vùng tìm kiếm. Hiện, vẫn chưa có thông tin kết luận.
Giới chức Indonesia - nước dẫn đầu quộc tìm kiếm nói rằng, diện tích tìm kiếm được chia làm 7 khu vực |
Lắp đặt nhà chờ cho thân nhân nạn nhân
Ông Sunu Widiatmoko Tổng Giám đốc AirAsia tại Indonesia cho biết đã lắp đặt hai nhà chờ tạm cho những người thân của các hành khách đi trên máy bay QZ5801 tại sân bay Juanda ở thành phố Surabya và tại sân bay Soekarno ở Jakarta, theo Reuters.
Trung Quốc sẵn sàng gửi cứu hộ tham gia tìm kiếm
Hãng tin Xinhua dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng gửi các máy bay và tàu đến tham gia công tác tìm kiếm và cứu nạn; đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ cung cấp các hỗ trợ khác theo yêu cầu của phía Indonesia.
Tàu hải quân Singapore RSS Valour và RSS Supreme đã đến khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích |
Thân nhân nạn nhân khóc lóc, kích động
Tại một cuộc họp báo ở sân Surabaya chiều nay, rất nhiều câu hỏi được thân nhân hành khách trên chuyến bay mất tích đưa ra. Nhiều người bắt đầu mất bình tĩnh, biểu lộ thái độ tức giận, khóc lóc. Họ đang yêu cầu nhà chức trách tại sao họ vẫn không được biết những gì đã xảy ra với máy bay.
Người cha của phi công trên chuyến bay mất tích nói muốn "con trai tôi quay trở lại", BBC |
Máy bay Australia phát hiện vật thể đáng ngờ
AP dẫn lời ông Rear Marshal Dwi Putranto - Chỉ huy không quân Jakarta (Indonesia) rằng, một chiếc máy bay Orion của Australia đã phát hiện các vật thể đáng ngờ cách vị trí máy bay QZ8501 mất tích 1.120km. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể chắc chắn liệu đó có phải là một phần của chiếc máy bay mất tích hay không. Chúng tôi đang tìm kiếm theo hướng đó, trong điều kiện trời có mây”, ông Rear Marshal Dwi Putranto nói.
Một chuyên gia từ cơ quan điều tra tai nạn hàng không Singpore cho biết, có thể sử dụng một ngọn hải đăng soi dưới nước để hỗ trợ việc tìm kiếm |
Bắt được một tín hiệu yếu
Các lực lượng cứu hộ bắt được một tín hiệu yếu, tuy nhiên, tín hiệu này đã bị loại trừ, không phải là của chiếc máy bay bị mất tích, BBC dẫn lời giới chức không quân Indonesia.
Lực lượng quân sự và cứu hộ giám sát tiến độ tìm kiếm máy bay AirAsia số hiệu QZ8501 tại Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia ở Jakarta. Ảnh: Reuters |
Phát hiện vết dầu tràn tại khu vực máy bay mất tích
Theo BBC, phát ngôn viên không quân Indonesia cho biết, đã phát hiện vết dầu tràn tại khu vực tìm kiếm máy bay mất tích nhưng chưa chắc chắn đó có phải vết dầu từ máy bay A320-200 hay không.
Đồng thời, AFP trích lời các quan chức Indonesia cho biết, các máy bay tìm kiếm của Australia đã phát hiện được một số vật thể trên biển trong khu vực tìm kiếm máy bay của AirAsia.
Belitung là một hòn đảo ở bờ biển phía đông của đảo Sumatra, Indonesia. Ảnh: Google Maps |
Thêm 1 gia đình 10 người may mắn thoát nạn
Trong số 26 hành khách không lên chuyến bay QZ8051 của AirAsia, có một gia đình Indonesia 10 người lỡ chuyến bay vì đến trễ, may mắn thoát khỏi vụ mất tích bí ẩn.
Cô Christianawati, 36 tuổi cho biết, 10 người bao gồm bố, mẹ, vợ chồng con cái cô và gia đình em trai dự định sẽ sang Singapore để mừng năm mới. Gia đình 6 người lớn, 4 trẻ em ban đầu đặt vé lên chuyến bay lúc 7h30 sáng nhưng AirAsia đã chuyển giờ bay của họ sang chuyến QZ8051 lúc 5h30.
Chính vì gia đình này không nhận được thông báo nên tới chuyến bay trễ và chính điều này đã giúp gia đình Christianawati may mắn thoát nạn.
Chiếc máy bay mất liên lực sau khi phi công yêu cầu thay đổi độ cao để tránh thời tiết xấu. Ảnh: Reuters |
Cổ phiếu AirAsia giảm mạnh sau vụ máy bay mất tích
Giá cổ phiếu của AirAsia đã giảm 11,6% trong phiên giao dịch sáng thứ Hai, 29/12, tại Kuala Lumpur (Malaysia) sau khi chiếc máy bay QZ8501 của hãng này mất tích vào rạng sáng ngày 28/12. Đây có thể xem là mức giá thấp nhất của cổ phiếu hãng AirAsia kể từ ngày 28/11, Tiền phong đưa tin.
Từ đầu năm 2014 đến trước vụ mất tích của chiếc QZ8501, giá cổ phiếu của hãng máy bay hàng không giá rẻ nổi tiếng nhất châu Á đã tăng đến 21,4%. Nhiều dự đoán cho rằng, AirAsia có khả năng cũng sẽ phải chịu chung số phận với Malaysia vì hai thảm họa MH370 và MH17.
Ông chủ AirAsia, tỷ phú Tony Fernandes nói vụ mất tích của QZ8501 là "cơn ác mộng tồi tệ nhất".
Nạn nhân người Anh Chi Man Choi |
AirAsia cung cấp bất cứ điều gì có thể hỗ trợ thân nhân nạn nhân
Anh trai của nạn nhân người Anh trên chiếc máy bay AirAsia mất tích cho biết, gia đình đã "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".
Chi Man Choi, người được cho là sống ở Singapore cùng gia đình, nạn nhân trên chuyến bay QZ8501, đã không đi cùng vợ vì bận công việc. Anh trai của Chi Choi - đang sống ở Cheshire, nói với tờ Daily Mirror: "Tôi tin rằng họ không bay cùng chuyến với nhau là vì lịch làm việc". "Vợ và con trai của cậu ấy đã bay trước. Tôi đã nói chuyện với vợ cậu ấy và cô lo sợ điều tồi tệ nhất có thể sẽ đến".
AirAsia cho biết, họ đang cung cấp bất cứ điều gì có thể hỗ trợ cho thân nhân nạn nhân.
Sunu Widyatmoko - Giám đốc điều hành của AirAsia Indonesia, hiện đang có mặt tại trung tâm hỗ trợ các gia đình nạn nhân tại Surabaya cho biết, "chúng tôi luôn cập nhật tình hình tìm kiếm và cứu hộ tới các gia đình cũng như hỗ trợ tinh thần cho các thân nhân. Một nhóm các quan chức của AirAsia cũng đang làm các công tác tương tự tại Singapore", ông Sunu Widyatmoko nói.
Máy bay của AirAsia mất tích gần đảo Belitung, xung quanh là hoạt động hàng không diễn ra thời điểm máy bay này mất tích |
Thêm Hàn Quốc tham gia công tác tìm kiếm
Hãng thông tấn của Hàn Quốc Yonhap cho biết, nước này sẽ sớm gửi một chiếc máy bay giám sát để hỗ trợ Indonesia tìm kiếm vào ngày mai. Trong số các hành khách trên máy bay, có 1 gia đình người Hàn Quốc.
Số lượng tàu và máy bay các nước hỗ trợ Indonesia cụ thể như sau: Malaysia: 3 tàu Hải quân, 1 máy bay C130 Singapore: 2 tàu, 2 máy bay C130 Australia: 1 máy bay Orion Ấn Độ: 3 tàu Hải quân, 1 máy bay Boeing P8
Một trong số các tàu của Singapore được triển khai cùng Indonesia hỗ trợ tìm kiếm |
Chiếc máy bay bị nạn có thể đang nằm dưới đáy biển
Người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia Indonesia cho biết, dựa trên tọa độ hiện tại và dự đoán khu vực máy bay gặp nạn, “có thể đặt ra giả thuyết là máy bay (QZ8051) đang nằm dưới đáy biển”. “Đây là nghi ngờ ban đầu và có thể mở rộng hơn dựa trên tính toán kết quả tìm kiếm”.
Henry Bambang Soelistyo - người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu hộ của Indonesia |
Hoãn chuyến bay phút cuối, một gia đình 5 người thoát nạn
Theo danh sách hành khách trên chuyến bay mất tích do hãng AirAsia công bố ngày hôm qua (28/12), 26 người đã may mắn thoát khỏi vụ mất tích khi đã đặt vé nhưng không lên máy bay vào phút cuối, trong đó có gia đình chị Inge Goreti Ferdiningsih.
“Chúng tôi đã đặt vé máy bay từ tháng 6 và dự định sẽ dành 4 ngày, 3 đêm trên đảo Sentosa, Singapore để nghỉ dưỡng và cho các con chơi ở công viên nước” – chị Ferdiningsih, nhân viên kế toán trả lời Bloomberg qua điện thoại.
Tuy nhiên, do chồng chị Ferdiningsih - anh Chandra Susanto, bị ốm nên họ đã quyết định hủy chuyến bay vào phút cuối. Chính việc chủy máy bay tưởng như không vui vẻ này đã mang lại may mắn không ngờ đối với gia đình chị.
Người thân các nạn nhân mất tích trên chuyến bay QZ8501 |
Hải quân Indonesia phối hợp tìm kiếm
Đô đốc Sigit Setiayana, Chỉ huy Trung tâm Không quân Indonesia tại căn cứ quân sự không quân Surabaya cho biết, nước này đã cử 12 tàu hải quân, 5 máy bay, 3 trực thăng và một số tàu chiến tham gia tìm kiếm phối hợp cùng nhiều tàu và máy bay từ Singapore, Malaysia.
Công tác cứu hộ đã được nối lại lúc 6 giờ sáng nay, giới chức địa phương xung quanh đã được yêu cầu hỗ trợ |
6h sáng nay, nối lại hoạt động tìm kiếm
Theo ông Zainuddin, công tác cứu hộ bắt đầu lúc 6 giờ sáng, đội cứu hộ đang tiến đến đảo Belitung ở phía Đông. Indonesia đã gửi 4 máy bay tìm kiếm ở khu vực nghi ngờ chiếc máy bay mất tích, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ từ các giới chức địa phương quanh khu vực này.
Hải quân Singapore tối 28/12 tiếp tục triển khai tàu khu trục lớp Formidable RSS Supreme và tàu hộ tống RSS Valour để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Trước đó, nước này cũng đã điều 2 máy bay C-130 hỗ trợ.
Giáo hoàng Francis |
Giáo hoàng cầu nguyện cho máy bay AirAsia mất tích
Tối qua (28/11), trong buổi lễ cầu nguyện cuối tuần tại Tòa thánh Vatican, Đức Giáo hoàng Francis đã giành lễ cầu nguyện cuối tuần để cầu nguyện cho những hành khách trên chuyến bay bị mất tích của hãng hàng không AirAsia.
“Tôi cùng với tất cả mọi người cầu nguyện và sát cánh cùng gia đình của những hành khách này, những người đang trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Chúng tôi cũng ủng hộ lực lượng các nước đang nỗ lực trong hoạt động cứu hộ”, Đức Giáo Hoàng nói.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay AirAsia QZ8501 đang chờ thông tin tại sân bay quốc tế Juanda, Indonesia |
Mỹ đề nghị hỗ trợ tìm kiếm máy bay mất tích
Tối qua, Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận, không ai trong số 162 người trên máy bay mang quốc tịch Mỹ và cho biết sẵn sàng hỗ trợ cuộc tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 bị mất tích.
Đồng thời, Người phát ngôn Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) nói, cơ quan này đang theo dõi sát tình hình và sẵn sàng hỗ trợ Indonesia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích nếu được đề nghị.
Trước đó, cho đến chiều tối ngày hôm qua (28/12), hãng hàng không AirAsia đã điều chỉnh lần nữa danh sách hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay gặp nạn. Tổng số người trên chuyến bay được xác nhận lại là 162 người, trong đó có 155 hành khách, 7 thành viên phi hành đoàn. Không quân Indonesia đã triển khai lực lượng tìm kiếm tuy nhiên vì trời tối nên công tác tìm kiếm đang được tạm ngừng.
Mời bạn đọc nhấn F5 để tiếp tục cập nhật thông tin...
Quang Minh -Trang Trần
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận