Điều tra

Vụ án nguyên GĐ Sở NN&PTNT Lâm Đồng: "Hô biến" hơn 1.000 ha đất rừng

29/04/2020, 07:22

Trong số 189 dự án bị thu hồi có tới 84 dự án rừng bị phá, lấn chiếm với tổng diện tích 1.157 ha nhưng không kịp thời được phát hiện, ngăn chặn.

img
Từ những quyết định thiếu trách nhiệm, rừng già Lộc Bắc bị tàn phá

Doanh nghiệp lập dự án để phá rừng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Ðồng, toàn tỉnh có 386 dự án được giao đất, thuê đất, thuê rừng để triển khai đầu tư du lịch sinh thái, nông lâm kết hợp, trồng rừng, trồng cao su… với tổng diện tích hơn 57.200 ha.

Tuy nhiên, đến năm 2019 đã phải thu hồi 189 dự án với tổng diện tích hơn 28.200 ha (trong đó, thu hồi toàn bộ 157 dự án với diện tích hơn 25.300 ha; thu hồi một phần đối với 32 dự án, diện tích hơn 2.800 ha) vì không hiệu quả hoặc để rừng bị phá.

Đơn cử như dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc của Công ty CP Nam Nam, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép với tổng diện tích hơn 120 ha tại Tiểu khu 442 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm).

Hơn 6 năm kể từ khi nhận dự án, đơn vị này không triển khai gì, trái lại để mất 43,5 ha rừng và đất lâm nghiệp. Phần diện tích bị lấn chiếm thay thế bằng các loại cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê, sầu riêng, hồ tiêu. UBND tỉnh Lâm Đồng buộc phải thu hồi toàn bộ dự án, yêu cầu bồi thường hơn 9,9 tỉ đồng.

Cũng tại huyện Bảo Lâm, Công ty TNHH An Nguyễn được giao hơn 162 ha đất lâm nghiệp để thực hiện dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp.

Sau khi nhận giao rừng vào năm 2011, đơn vị này đã không thực hiện đúng cam kết, không triển khai dự án mà chỉ tận dụng khai thác lâm sản trên diện tích được cải tạo trồng rừng. Đến năm 2017, khi bị thu hồi dự án, đơn vị này đã để mất hơn 31 ha.

Ngoài ra, Công ty TNHH SX-TM-XNK Hoàng Thịnh (huyện Ðạ Tẻh) cũng để mất gần 111 ha rừng và đất lâm nghiệp nên bị yêu cầu bồi thường gần 70 tỉ đồng; Công ty TNHH Vĩnh Tuyên Lâm (huyện Ðức Trọng) làm mất 49 ha, bị buộc bồi thường gần 23 tỉ đồng; Công ty TNHH TN DV XNK Võ Hà Lê (huyện Lạc Dương) làm mất hơn 44 ha, bị yêu cầu bồi thường hơn 20,7 tỉ đồng; Công ty TNHH Ngọc Mai Trang (Lạc Dương) mất hơn 21 ha nên phải bồi thường hơn 12,4 tỉ đồng, Công ty TNHH An Nguyễn mất hơn 31 ha, bị yêu cầu bồi thường gần 12 tỉ đồng...

img
Chiều 28/4, VKSND tỉnh Lâm Đồng đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Lê Văn Minh

Khởi tố nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT là tất yếu

Chiều 28/4, một lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có trao đổi với PV Báo Giao thông, cho rằng việc khởi tố ông Lê Văn Minh, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT là tất yếu.

Giao rừng cho doanh nghiệp thực hiện dự án là chủ trương được tỉnh Lâm Đồng triển khai từ nhiều năm nay. Thế nhưng, cũng dựa vào chủ trương này, nhiều doanh nghiệp sau khi nhận dự án đã để mất rừng, mất đất và không chịu nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, không thể đổ hết sai phạm cho riêng doanh nghiệp. Bởi trong một thời gian lâu dài ngành lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã buông lỏng quản lý, thiếu giám sát để doanh nghiệp lập các dự án thuê đất, thuê rừng để triển khai đầu tư du lịch sinh thái, nông lâm kết hợp, trồng rừng, trồng cao su… nhưng cốt để phá rừng, xong bỏ rừng trống, đồi trọc.

Trong suốt giai đoạn doanh nghiệp “đua nhau” sai phạm phá rừng thì ông Lê Văn Minh giữ các chức vụ Phó giám đốc, rồi Giám đốc Sở NN&PTNN.

Theo số liệu Báo Giao thông tìm hiểu, trong số 189 dự án bị thu hồi, có tới 84 dự án bị thu hồi vì để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép với tổng diện tích lên đến 1.157 ha mà không kịp thời phát hiện ngăn chặn.

Tỉnh Lâm Ðồng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng với tổng số tiền lên đến hơn 219 tỉ đồng. Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp đều chậm thực hiện việc bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng theo quy định.

Vụ việc không chỉ dừng lại với mức độ thiếu trách nhiệm của ngành lâm nghiệp Lâm Đồng. Chiều ngày 28/4 các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nguyên Giám đốc Sở NN&PTNN và 2 đồng phạm với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý rừng” đã được VKSND tỉnh Lâm Đồng phê chuẩn.

Đó là ông Lê Quang Nghiệp, nguyên Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, hiện là Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, và ông Mai Hữu Chanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc.

Theo Cơ quan CSĐT, ông Lê Quang Nghiệp khi còn giữ chức Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng biết rõ trong hồ sơ chuyển đổi dự án rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su tại một phần tiểu khu 398, 418, 419 xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa đúng các quy định khác của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Nghiệp vẫn tham mưu cho ông Lê Văn Minh, khi đó là Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng ký 4 quyết định khai thác tận thu lâm sản cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc, khai thác tận thu lâm sản tại một phần các tiểu khu 398, 418, 419 xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm.

Đó là Quyết định số 914/QĐ-SNN ngày 27/6/2013; Quyết định số 1045/QĐ-SNN ngày 20/8/2013; Quyết định số 148/QĐ-SNN ngày 22/2/2016 và Quyết định số 247/QĐ-SNN ngày 1/4/2016.

Hậu quả rừng tự nhiên nghèo chuyển sang trồng cao su trái pháp luật với diện tích 75,78ha và cấp phép khai thác lâm sản trái pháp luật với tổng trữ lượng gỗ là 3.509,76m3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.