Càng đòi hỏi cao trách nhiệm cơ quan Công an sẽ càng góp phần thúc đẩy lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó và xứng đáng với sứ mệnh bảo vệ an ninh tổ quốc, vì cuộc sống bình an của nhân dân.
Dù đã hơn nửa tháng trôi qua, song vụ án sát hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên vẫn chưa lắng dịu. Dư luận sục sôi không chỉ bởi những tình tiết rùng rợn trong quá trình gây tội ác của nhóm nghi phạm hay vì nhiều uẩn khúc trong vụ án chưa được làm rõ mà còn bởi những tranh cãi gay gắt về năng lực, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an địa phương trong ngăn ngừa, phát hiện, điều tra, phá án. Nhất là quyết định khen thưởng của UBND tỉnh Điện Biên đối với các tập thể, cá nhân tham gia vụ án.
Cùng Báo Giao thông nhìn lại toàn bộ vụ án đau xót này:
Trước vấn đề dư luận đặt ra, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho rằng: việc khen thưởng đã được làm rất thận trọng, tỉ mỉ, ai cần khen thì mới khen, chứ không phải ai cũng được khen. Việc khen thưởng cũng cần kịp thời, để động viên, khích lệ nhóm phá án đã hy sinh ngày đêm trong dịp nghỉ lễ để điều tra ra tận cùng của vụ việc.
Ông Hồng cũng khẳng định: chuyên án 219D đã kết thúc, song vụ án Cao Thị Mỹ Duyên chưa kết thúc. Còn nhiều tình tiết liên quan chưa được làm rõ.
Dư luận không phủ nhận sự nỗ lực của nhiều cán bộ chiến sỹ Công an Điện Biên với vụ án này. Song lực lượng Công an, với vai trò “thức cho dân ngủ, gác cho dân yên”, việc trực 100% quân số vào những dịp lễ, Tết là một yêu cầu gần như bắt buộc. Và khi có vụ án xảy ra, nhất là liên quan đến tính mạng người dân thì không có khái niệm lễ tết hay đêm hôm sớm tối.
Mặt khác, nhìn từ góc độ phòng ngừa, người dân hoàn toàn có quyền đặt vấn đề trách nhiệm của lực lượng công an khi để xảy ra án mạng trên địa bàn khi gia đình đã báo tin có người mất tích. Và khi đòi hỏi của người dân càng cao, sẽ càng góp phần giúp thống tư pháp, hành pháp hoạt động càng hiệu quả.
Không riêng Việt Nam, người dân Mỹ cũng tỏ thái độ bất bình với lực lượng cảnh sát liên bang mỗi khi xảy ra xả súng hay người Nhật cũng chỉ trích cảnh sát và cả chính phủ khi để án mạng diễn ra, dù là một em bé người nước ngoài. Người dân Nga cũng chỉ trích lực lượng phản ứng đặc biệt của Moscow khi bị bọn khủng bố bắt và nhốt con tin trong nhà hát. Đây là điều mà bất cứ lực lượng cảnh sát ở quốc gia nào cũng phải đối mặt.
Cách khắc phục duy nhất là tập trung vào nghiệp vụ, cẩn thận và tỉ mỉ, không để bỏ sót chi tiết, bằng chứng dẫn đến lọt người, lọt tội.
Khi đối mặt với áp lực và sự đòi hỏi cao từ phía người dân, chắc chắn các cán bộ, chiến sĩ công an sẽ có thêm động lực để làm việc, trau dồi thêm kinh nghiệm,hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó và xứng đáng với sứ mệnh bảo vệ an ninh tổ quốc, vì cuộc sống bình an của nhân dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận