Pháp đình

Vụ án ông Phạm Công Danh: 4.500 tỷ đồng đang ở đâu?

15/01/2018, 12:45

Đại diện Ngân hàng Xây dựng nói tiền vay BIDV tăng vốn đã tiêu hết, bị cáo nói chưa tiêu, đề nghị thu hồi.

photo1515987765978-1515987765978

Ông Phạm Công Danh tại phiên tòa.

Sáng 15/1,TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng – VNCB) cùng 45 đồng phạm. Trong phiên tòa sáng nay đã diễn ra phần hỏi đáp liên quan khoản của BIDV. Cụ thể, số tiền vay từ ngân hàng này là 4.500 tỷ đồng đã được dùng như thế nào? Dòng tiền này đã được chi ra sao, còn hay không?

Đại diện ngân hàng Xây dựng (CB) nói đã tiêu hết

Trong phần luật sư hỏi đại diện Ngân hàng Xây dựng, HĐXX lưu ý ngân hàng VNCB không còn, nay VNCB đã chuyển thành CB. Như vậy ngân hàng CB hiện tại là đại diện cho VNCB trước đây, kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan của VNCB.

Luật sư hỏi: “Số tiền 4.700 tỷ thông qua các công ty của ông Danh vay BIDV sử dụng để phục vụ 3 mục đích của ngân hàng VNCB. Vậy đề nghị đại diện CB cho biết số tiền đó đang ở đâu?”. Đại diện CB nói rằng, số tiền đó VNCB không vay của BIDV.

Tuy nhiên HĐXX nhắc nhở, luật sư hỏi số tiền đó chuyển về VNCB qua Agribank Tân Phú để tăng vốn thời điểm đó, thì số tiền đó ở đâu?. Đại diện đơn vị này trả lời rằng, số tiền đó đã sử dụng hết, thời điểm nào thì không nhớ cụ thể mà chỉ biết rằng hết trước 5/3/ 2015.

Chủ tọa phiên tòa yêu cầu đại diện Ngân hàng Xây dựng phải trả lời cụ thể. Người đại diện này nói không trả lời được, sẽ xem xét lại số liệu cụ thể và giải đáp vào chiều mai (16/1).

Bị cáo nói chưa tiêu, đề nghị thu hồi.

Trong phần trả lời luật sư, bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng Ban kiểm soát NVCB) cho biết, có ký vào 12 biên bản họp HĐQT để ông Phạm Công Danh sử dụng 12 công ty lập hồ sơ vay vốn 4.700 tỉ đồng từ BIDV. Cáo trạng của VKSND Tối cao cũng xác định hành vi của Nguyễn Quốc Viễn đã gây thiệt hại hơn 4.300 tỉ đồng cho VNCB. Tại tòa, bị cáo Viễn cho rằng, khoản tiền ấy hiện nay vẫn treo ở VNCB, tức ngân hàng CB, đề nghị  tòa cho thu hồi số tiền đó để xử lý. Số tiền đó bị cáo dùng để gửi trên liên ngân hàng tức thị trường 2 lấy lãi. Tiền dùng chung là hòa chung để tính chi phí của ngân hàng, và chủ yếu là tiền huy động từ thị trường 1.

Luật sư hỏi về các văn bản năm 2013 và 2014 có liên quan đến việc vay vốn nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB, rằng bị cáo chỉ tham gia vào việc ký theo chỉ đạo chứ không phải thành viên HĐQT, cũng không được bàn bạc thảo luận gì có đúng hay không? Bị cáo trả lời rằng đúng vậy.

Cũng trong phần trả lời của mình, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho rằng việc ngân hàng Xây Dựng nói số tiền vay BIDV chuyển qua các ngân hàng khác cuối cùng về tài khoản Ngân hàng Xây dựng đã hòa vào dòng tiền chung để tiêu hết là chưa chính xác. Bị cáo Mai giải thích: "Số tiền này được dùng theo các nghiệp vụ của ngân hàng liên quan chi phí, tài sản".

HĐXX nói rằng sẽ xem xét về nguồn tiền này.

Trước đó, ngày 13/1, luật sư Trần Minh Hải bào chữa cho Phạm Công Danh đề nghị HĐXX xem xét lại con số thiệt hại, phải thu hồi bằng được 4.500 tủ đồng và trừ đi con số tổng thiệt hại vụ án là 6.126 tỷ đồng. "Nếu được giảm trừ, con số thiệt hại sẽ giảm tới 2/3 so với cáo trạng đã công bố", luật sư Trần Minh Hải thông tin.

Theo cáo trạng, số tiền 4.700 tỷ đồng sau khi được BIDV giải ngân đã đi đường vòng, chuyển 4.000 tỷ đồng về tài khoản VNCB, Agribank Chi nhánh Tân Phú; 700 tỷ đồng được Phạm Công Danh chuyển vào nguồn tiền làm vốn đối ứng của 12 công ty và sử dụng trả lãi cho BIDV.

Ngoài 4.000 tỷ đồng trong tổng 4.700 tỷ đồng chuyển về Ngân hàng Xây dựng với mục đích tăng vốn điều lệ, 500 tỷ đồng tăng vốn còn lại có nguồn gốc từ tiền vay TPBank (200 tỷ đồng), 300 tỷ đồng khác từ một số nguồn khác. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.