Ai đăng tải thông tin sai lệch đều sẽ bị xử lý
Chiều 3/4, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin tới báo chí về hàng loạt vụ án đã nhận được nhiều quan tâm của dư luận.
Với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra mở rộng theo kế hoạch đã đề ra. Cập nhật thông tin mới nhất về vụ án này, ông Xô cho biết, hiện nay, Cơ quan công an đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại.
Đồng thời, đang rà soát kê biên, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị của các bị can và các đối tượng liên quan để phục vụ công tác thu hồi và khắc phục hậu quả.
"Đây mới là bước đầu trong xử lý vụ việc. Qua vụ việc sẽ có nhiều bài học rút ra", ông Tô Ân Xô nói.
Thông tin về vụ việc Facebooker đăng tin sai lệch về việc ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank - HoSE: STB) bị cấm xuất cảnh, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, những thông tin sai sự thật này sẽ bị điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Luật Dân sự và các luật, các quy định khác liên quan.
"Những ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Bài học rút ra từ vụ việc này là phải xử lý sớm các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc. Khi có các thông tin sai trái, cơ quan liên quan và cơ quan chức năng phải sớm lên tiếng, đưa ra thông tin chính thức để phản bác. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, những người làm truyền thông chấp hành nghiêm những quy định, nội quy về thông tin.
Hoạt động chống phá trên không gian mạng rất phức tạp
Người phát ngôn Bộ Công an cũng lưu ý về tình trạng chống phá trên không gian mạng và tội phạm trên không gian mạng khi trong quý I và tháng 3/2024, các hoạt động chống phá của tội phạm trên không gian mạng diễn ra rất phức tạp.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã đề cập vấn đề này, coi đây là vấn đề nóng.
"Các thế lực thù địch, phản động, chống đối, các trung tâm phá hoại tư tưởng chính trị đã gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo tình hình chính trị nội bộ, chia rẽ đoàn kết trong nước", ông Xô nói.
Theo đó, các thế lực thù địch ở nước ngoài, các loại tội phạm mạng gia tăng hoạt động đánh cắp thông tin, lừa đảo.
Trong quý I, Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 3/2024, phát hiện có hơn 7 triệu cảnh báo, tăng 6% so với tháng 2/2024.
Thời gian vừa qua, hệ thống mạng của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã bị tấn công, đánh cắp dữ liệu, làm thay đổi giao diện hay cướp quyền quản trị…
"Bộ Công an cũng đã phát hiện hàng chục gigabyte dữ liệu có nội dung bí mật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã bị đánh cắp. Các thế lực đang bị tấn công mạng dồn dập không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng ghi nhận tình trạng này", ông Xô thông tin.
Ông Xô cũng cảnh báo tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên mạng cũng gia tăng.
Trong tháng 3/2024, Cục Cảnh sát hình sự (C02) đã khởi tố hơn 40 vụ, với hơn 250 đối tượng và số tiền đánh bạc lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng cũng xảy ra tương đối lớn với hơn 605 vụ, bắt giữ 377 đối tượng, với số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là con số chưa bao gồm thống kê từ các đơn vị hình sự ở các tỉnh, các địa phương.
Từ các vụ việc trên, Bộ Công an đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tăng cường đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ hệ thống mạng. Đồng thời, mong muốn người dân tham gia tố giác tội phạm và "không tin, không nghe, không làm theo những yêu cầu, hướng dẫn quá chi tiết trên điện thoại hay qua dịch vụ OTP để tránh bị lừa đảo".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận