Bộ VH-TT&DL cho biết không có chuyện bán rẻ hãng phim truyện Việt Nam với giá 32,5 tỷ |
Chiều 5/5, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức cuộc gặp mặt với báo chí nhằm nói rõ về quy trình thủ tục cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, câu chuyện đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Nhiều câu hỏi được đưa ra: Tại sao Công ty TNHH Một thành viên Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) lại chọn nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso)? Việc định giá VFS chỉ có 32,5 tỉ đồng, liệu có phải bán đổ bán tháo? Sau khi Cổ phần hóa, liệu thương hiệu VFS còn tồn tại?
Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, ông Phan Đình Tân cho biết, hiện nay có những thông tin đưa đi đưa lại chưa đúng, chính vì thế Bộ VH sẽ thông tin đầy đủ để tránh hiểu lầm trong dư luận.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, khi đã gia nhập WTO, TPP chúng ta phải tuân thủ luật chơi. VFS chỉ có con đường là phải cổ phần hóa, nếu không sẽ phải phá sản, mà phá sản thì sẽ mất luôn phiên hiệu Hãng Phim Truyện Việt Nam. Theo Luật Doanh nghiệp hiện nay, nhà nước không thể tài trợ cho những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, VFS chắc chắn phải cổ phần.
"Chúng tôi rất thận trọng trong việc cổ phần hóa lĩnh vực điện ảnh. Cổ phần hóa là chấp nhận những luồng dư luận. Tuy nhiên, không cổ phần hóa thì Hãng phim truyện Việt Nam chỉ còn cách phá sản. Để thương hiệu của cả một ngành điện ảnh Việt phá sản thì đau lòng lắm”, thứ trưởng nói.
Việc Vivaso – một doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy mua VFS với việc nắm giữ 65% cố phần, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Luật Doanh nghiệp hiện nay cho phép doanh nghiệp có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nên một công ty kinh doanh vận tải thủy như Vivaso mua VFS là hợp pháp. Đơn vị này hoàn toàn có thể thuê người để quản lý việc sản xuất phim".
Tuy nhiên, để đảm bảo Vivaso vận hành VFS đúng chức năng là một hãng phim truyện, Bộ VH,TT&DL đã đặt ra các điều kiện ràng buộc. Nhà đầu tư chiến lược đã phải cam kết 7 điều khoản: 90% doanh thu phải từ hoạt động sản xuất phim, dịch vu làm phim. Trả các khoản nợ, tiền thuê đất. Xây dựng cơ sở vật chất làm phim. Sử dụng đất phục vụ sản xuất phim. Sử dụng toàn bộ lực lượng lao động của hãng phim có nhu cầu làm việc, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Sử dụng toàn bộ số tiền bán cổ phiếu để cho hoạt động điện ảnh...
Điều khoản cuối cùng là 3 người của nhà nước sẽ được giữ 3 vị trí quan trọng như thành viên của hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và ban kiểm soát. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, nếu nhà đầu tư chiến lược vi phạm cam kết, không làm phim nào thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về việc bán hãng phim với giá 32,5 tỷ, Thứ trưởng cho biết VFS đã thuê một đơn vị tư vấn có trong danh mục của Bộ Tài chính để xác định giá trị Hãng. Trong đó, kho tài sản bản sao hơn 300 phim đã cũ cũng được đem ra định giá theo tiêu chí nguyên vật liệu vào khoảng 3 tỷ đồng.
Khi định giá VFS, có tính giá trị đất đai và quyền sử dụng đất của VFS hay không, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Trước kia có tính giá trị đất đai khi định giá các công ty, nhưng khi tính vào thì giá trị cổ phần hóa cao quá, không ai mua. Do đó sau này Chính phủ đã ban hành nghị định không tính giá trị đất đai khi tiến hành định giá để cổ phần hóa". Ngoài ra, theo Nghị định 59 của Chính phủ thì quá trình xác định giá trị doanh nghiệp sẽ không được tính tiền đất bởi quyền sở hữu đất không thuộc Hãng mà thuộc về Nhà nước, Hãng chỉ thuê để sử dụng.
Ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Phó Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, thuộc Bộ VH,TT&DL cho biết trong một thời gian dài mấy chục năm qua, VFS chỉ sử dụng khu đất số 4 Thụy Khuê dưới hình thức thuê của nhà nước.
"Khu đất tại số 4 Thụy Khuê mà VFS đang thuê thuộc quy hoạch khu chính trị Ba Đình, chưa được phép xây dựng mà chỉ có thể sửa chữa nâng cấp nên nói Vivaso mua VFS chỉ vì mảnh đất “vàng” này là không có căn cứ. Nếu Vivaso làm sai cam kết sẽ phải bồi thường thiệt hại. Nếu đơn vị này sử dụng đất không đúng mục đích, Bộ hoàn toàn có thể gửi ý kiến lên thành phố để thu hồi lại đất", ông Hoàng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận