Bốn người bắt trói "cát tặc" lĩnh án 35 năm tù
Ngày 28/6, TAND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã tuyên án vụ "Bắt giữ người trái pháp luật", "Cướp tài sản" với các bị cáo Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, xã Trung Giã, Sóc Sơn), Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), Dương Văn Quý (27 tuổi) và Dương Văn Cương (28 tuổi, cùng trú huyện Sóc Sơn).
Đây là vụ án "tự ý bắt "cát tặc" phải đi tù" gây nhiều tranh cãi trong dư luận khi cả 4 bị cáo đều kêu oan. Vụ án xảy ra cách đây đã 4 năm nhưng đến nay cấp sơ thẩm mới có thể ra phán quyết.
Các bị cáo trong vụ án "tự ý bắt "cát tặc" phải đi tù" tại TAND huyện Sóc Sơn
Theo cáo trạng, rạng sáng 11/7/2018, ông Đào Công Thành (56 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cùng 4 người đi 2 thuyền đến sông Cầu, thuộc địa phận xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn khai thác cát. Lúc này, bị cáo Cường phát hiện có thuyền hút cát gần khu vực đất nông nghiệp của gia đình, nên đã rủ thêm Tuấn Anh, Quý và Cương đi bắt người hút cát.
Sau khi dùng thuyền áp sát và hô hoán, nhóm Cường cầm tuýp sắt nhảy lên thuyền khiến ông Thành và bà Nguyễn Thị Anh (30 tuổi) hoảng sợ trốn vào khoang, còn 3 người khác nhảy xuống sông bỏ chạy.
Cáo trạng xác định, ông Thành bị nhóm Cường dùng tuýp sắt đánh và trói lại bằng dây thừng, thu 2 điện thoại. Sau đó ông Thành và bà Anh bị đưa lên bờ, mang về nhà Cường viết tường trình. Trong lúc xô xát, Cường bị thương ở tay nên được đàn em đưa đi bệnh viện.
Cơ quan tố tụng khẳng định, ông Thành, chị Anh bị giữ tại nhà Cường khoảng 30 phút thì Công an xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn đến nơi giải thoát cho 2 người này. Ông Thành bị Công an huyện Sóc Sơn ra quyết định xử phạt hành chính do có hành vi khai thác cát nhưng không có giấy phép và sử dụng thuyền không đăng ký phương tiện.
Tại tòa, Nguyễn Văn Cường cho rằng, mục đích ban đầu bị cáo chỉ muốn ngăn cản nhóm "cát tặc" khai thác cát trái phép, khi bị đối phương chém thì mới xảy ra việc giữ người.
Hội đồng xét xử TAND huyện Sóc Sơn nhận định, các bị cáo dù không có thẩm quyền bắt giữ người nhưng đã dùng vũ lực bắt, trói rồi đưa bị hại về nhà trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo xâm phạm về sức khỏe, thân thể và tài sản của người khác. Trong đó, Cường đóng vai trò cao nhất, 3 bị cáo còn lại với vai trò đồng phạm giúp sức.
Người dân chỉ có thể bắt người phạm tội quả tang
Liên quan đến vụ án, nhiều ý kiến cho rằng, nhóm của Cường bắt người phạm tội là hành vi được pháp luật cho phép.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, T.S Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người đó sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam...
Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Như vậy, bắt người là một biện pháp ngăn chặn và không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án nhân dân; quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân; trừ trường hợp phạm tội quả tang - là những hành vi ai cũng nhìn thấy rõ như: Giết người, gây thương tích, cướp tài sản...
T.S, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Cường phân tích, về trường hợp bắt "cát tặc" này, hiện theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, hành vi của nhóm người khai thác cát chỉ vi phạm hành chính. Hơn nữa, hành vi hút cát có xác định là trái phép hay không, phải do cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra giấy phép, kiểm tra hoạt động rồi mới có thể kết luận.
"Do đó, việc bị can, bị cáo kêu oan, cho rằng đây là phạm tội quả tang để mang nhiều người đi bắt giữ, thì toà án phúc thẩm sẽ làm rõ vấn đề người đang hút cát đó có phải người phạm tội quả tang không, căn cứ đâu cho rằng cho người hút cát phạm tội", ông Cường nói.
Về tội danh "Bắt giữ người trái pháp luật", theo luật sư Cường, cần phải xem xét hành vi của nhóm bị cáo có ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác hay không? Việc bắt giữ này có nhằm giao cho cơ quan CSĐT hay không?
"Phải xem xét từ thời điểm bắt giữ cho đến thời điểm giải thoát, các bị cáo có liên hệ với cơ quan điều tra hay không. Nếu việc bắt giữ này không báo cho cơ quan điều tra, mà cơ quan điều tra tự nhận được tin báo đến giải cứu thì vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Còn trong trường hợp các bị cáo này bị bắt giữ, mang giao nộp cho cơ quan CSĐT và được phép của cơ quan CSĐT giữ lại để giải quyết thì trường hợp này không phạm tội", luật sư Cường cho hay.
Đối với tội "Cướp tài sản", luật sư Cường cho biết, pháp luật quy định hành vi dùng vũ lực khiến nạn nhân lâm vào hoàn cảnh không thể chống cự được để nhằm chuyến đoạt tài sản thì cấu thành tội này.
Ở tội danh này, cần xem xét 2 yếu tố dùng vũ lực và chiếm đoạt. Theo đó, phải xem xét ở chỗ sau khi các bị cáo khống chế được nạn nhân có trả điện thoại cho nạn nhân hay không hay đến khi công an vào cuộc mới trả?
"Nếu các bị cáo kêu oan, kháng cáo, thì phiên toà tới, cần làm rõ những vấn đề nêu trên. Nhưng cũng từ phiên toà, cho thấy bài học người dân phải nhận thức rất rõ ràng, có kiến thức pháp luật để phân định được ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội, tránh rơi vào tình trạng rủi ro khi thiếu kiến thức pháp luật để bản thân vướng vòng lao lý", luật sư Cường khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận