Xã hội

Vụ bạt đồi, lấp hồ Đại Lải: Không thể "đính chính" văn bản là xong

05/09/2020, 06:19

Điều dư luận quan tâm hiện nay là liệu việc khôi phục nguyên trạng diện tích hồ đã bị lấp có được thực hiện hay không?

img
Với Quyết định 41, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Công ty TNHH Đại Lải lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự

Liên quan đến vụ việc lấp hồ Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản đính chính Quyết định số 41, thừa nhận một số sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản. Tuy nhiên, quyết định này không hề đề cập đến việc khắc phục hậu quả thế nào. Điều dư luận quan tâm hiện nay là liệu việc khôi phục nguyên trạng diện tích hồ đã bị lấp có được thực hiện hay không?

Tỉnh có thể lấy cả hồ Đại Lải làm dự án?

Ngày 5/8 vừa qua, ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký Quyết định số 1959 đính chính Quyết định số 41 ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh (văn bản cũng do ông Giang ký - PV) về việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải.

Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận Quyết định 41 có những sai sót “trong quá trình soạn thảo văn bản” khi cho phép doanh nghiệp san nền tới cốt 17,65m. Quyết định số 1959 đính chính thông số thiết kế cao độ san nền lên thành 21,50m.

Ngày 26/8, trao đổi với báo chí, ông Vũ Chí Giang cho biết, hồ Đại Lải được xây dựng từ năm 1959 với chức năng là hồ thủy lợi, tới nay đã 60 năm, mục đích đã thay đổi nhiều.

Từ năm 1996, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã cho phép điều chỉnh hồ Đại Lải là hồ thực hiện đa chức năng, xác định các vùng đất ven hồ để phát triển du lịch. Theo quan điểm của tỉnh Vĩnh Phúc, nguồn gốc đất tại vị trí báo chí nêu ở sát hồ của sân golf hoàn toàn là đất lâm nghiệp. Bởi thời điểm trước khi triển khai dự án, chủ đất là Trung tâm lâm nghiệp Đông Bắc Bộ.

“Khi làm dự án không căn cứ vào cốt nước mà căn cứ vào đất đai, có đất đai để làm không mới là quan trọng. Đối với hồ Đại Lải thì có cốt nước đỉnh đập hồ là cốt 23 nhưng đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, nếu mưa nhiều thì nước dâng nhiều, không có mưa thì mực nước hạ xuống”, ông Vũ Chí Giang giải thích.

Trước ý kiến của PV về việc Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy chuẩn Quốc gia, theo đó vùng ngập thường xuyên của hồ chứa nước Đại Lải là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ cao trình mực nước dâng bình thường (+21.50m) trở xuống; Tổng cục Thuỷ lợi cũng đã có kết luận kiểm tra, chỉ rõ các quyết định phê duyệt chi tiết tỉ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải đã vi phạm Luật Đất đai, Luật Thủy lợi, để các doanh nghiệp lấn chiếm, lấp hồ Đại Lải, ông Vũ Chí Giang cho rằng, tỉnh cấp đất cho dự án trên cơ sở “căn cứ các quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Nếu phần đất trên bờ thì triển khai bình thường, phần đất trong phạm vi công trình thủy lợi thì cần xin cấp phép.

“Phóng viên đang quên dự án đi mà chỉ nhìn vào cái hồ thôi, bạn lấy cái hồ để quy chiếu. Theo Luật Đất đai, chúng tôi có thể thu cả hồ cũng được. Đất có mặt nước hoàn toàn có thẩm quyền chứ không phải cái hồ đó vĩnh viễn không có gì va đập vào cả. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, hồ Đại Lải chức năng đã có thay đổi, quy hoạch đã rõ ràng, kế hoạch sử dụng đất đã rõ”, ông Vũ Chí Giang nói.

Về thực tế, “sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản” dẫn tới việc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam san lấp vào lòng hồ Đại Lải, vị đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Phần diện tích nhỏ công ty này san lấp quá ra, tỉnh sẽ có biện pháp yêu cầu công ty này xử lý bằng cách nạo vét lên”.

Không thể đính chính là xong

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết: Quyết định số 1959 UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhằm đính chính Quyết định số 41 cần được làm rõ.

Theo đó, nếu đúng như giải thích của UBND tỉnh Vĩnh Phúc rằng, đó là lỗi đánh máy, tham mưu nên xảy ra việc từ cao trình 21,50 ghi nhầm thành cao trình 17,65m thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc phải có các văn bản kèm theo để chứng minh. Cụ thể, các văn bản kèm theo, bản đồ các giai đoạn trước đó của dự án đều thể hiện rằng, khu vực cấp phép trước đó có cao trình 21,50, chỉ tới khi ban hành Quyết định 41 mới ghi nhầm thành cao trình 17,65m.

Trong trường hợp quyết định này dẫn tới những hệ lụy như toàn bộ hồ sơ kèm theo lại cấp phép ở cao trình thấp nhất là 17,65m, trong đó có giấy phép sử dụng đất, các giấy phép, bản đồ cấp phép kèm theo… thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc phải xử lý vấn đề theo hướng khác, chứ không thể chỉ đính chính là xong.

Do đó, phải làm rõ vấn đề đây chỉ là một sai sót kỹ thuật, đánh máy trong Quyết định 41 hay là sai sót của cả hệ thống các văn bản cấp phép kèm theo. Khi vấn đề này được làm rõ thì mới thực hiện được việc khắc phục như thế nào.

Trong khi đó, GS. TS. Trần Viết Ổn - Phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho rằng, cao trình đỉnh đập hồ Đại Lải là +23m được bảo vệ nghiêm ngặt. Việc tỉnh Vĩnh Phúc đính chính hạng mục san nền, thiết kế san nền của dự án từ 17,65m (trong Quyết định 41) thành 21,5m (Quyết định 1959) tại khu vực phía Tây, giáp hồ Đại Lải vẫn sai. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đã triển khai các công trình xây dựng theo cao độ 17,65m là vi phạm rất nghiêm trọng Luật Thủy lợi.

“Tỉnh Vĩnh Phúc phải có trách nhiệm trả lại nguyên trạng công trình hồ thủy lợi Đại Lải, bởi vấn đề này thuộc về luật mà bất cứ ai, đơn vị nào cũng phải tuân thủ. Còn nếu vì lý do này, lý do kia mà không xử lý đến nơi đến chốn, sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu: “Nơi này làm được, nơi kia cũng làm được”, ông Ổn đề xuất.

Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc san lấp hồ Đại Lải để xây dựng nhà để bán hay vì bất cứ mục đích gì là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Việc ngang nhiên san lấp hồ còn là hành vi thách thức pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước cần phải xử lý thật nghiêm.

“Theo tôi, các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay lập tức để xác minh điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, có thể khởi tố vụ án hình sự nếu có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi” theo Điều 238 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định không cấp phép cho doanh nghiệp lấp hồ thì họ phải có những văn bản chứng minh chứ không thể chỉ bằng một quyết định đính chính như trên”, ông Huế phân tích.

Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Dự án khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải chỉ có 1 mảnh trên bản đồ bị ghi sai thành cốt 17,65 (trong Quyết định 41) còn các khu vực khác đều có cốt san nền từ 21,5m trở lên. Các cán bộ thuộc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc khẳng định, vị trí mảnh bản đồ có cốt san nền 17,65m là vị trí chưa hề được san lấp, mà nó nằm cách vị trí san lấp mà báo chí phản ánh 2km. Tuy nhiên, các văn bản PV Báo Giao thông được lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp không có hồ sơ, bản đồ nào chứng minh rằng vốn trước đây toàn bộ khu vực này có cốt từ 21,5m trở lên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.