Nơi xảy ra vụ việc. |
Việc một nhóm phụ huynh gây áp lực khiến giáo viên phải quỳ gối xin lỗi nhận được sự quan tâm và tranh cãi trên mạng xã hội. Theo đó, một giáo viên của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối. Sau hình phạt này, một số em sợ không đi học.
Rồi 4 phụ huynh có con bị phạt đã kéo tới trường lớn tiếng phản ánh, cho rằng cách giáo dục của cô giáo vượt quá chuẩn mực sư phạm. Cô giáo đã nhận sai và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh, hứa khắc phục sai sót. Tuy nhiên phụ huynh vẫn không đồng tình, gây áp lực, khiến giáo viên phải quỳ xuống để xin lỗi.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, LS Trần Hồng Phong, Công ty luật Ecolaw (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, phụ huynh chửi bới giáo viên, phụ huynh vào trường học đánh giáo viên, và nay là phụ huynh bắt giáo viên quỳ xin lỗi mình - sự việc mới xảy ra ở một trường tiểu học ở huyện Thủ Thừa (Long An) là vấn đề không còn quá cá biệt. Có thể nói đạo đức và nhận thức xã hội trong lĩnh vực giáo dục đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, phải gióng lên hồi chuông cảnh báo.
“Trước hết, tôi muốn nói rõ việc giáo viên đánh, hay có những hình thức phạt học sinh mắc lỗi như bắt quỳ là hoàn toàn sai, phản giáo dục và có tính chất hạ nhục học sinh. Giáo viên vi phạm phải được nhắc nhở, bị kỷ luật, thậm chí buộc ra khỏi ngành”, LS Phong nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo LS Phong, bất luận thế nào, vẫn không thể chấp nhận được việc phụ huynh vào tận trường, bắt giáo viên phải quỳ xin lỗi mình giữa thanh thiên bạch nhật chỉ vì trước đó đã phạt con mình bằng hình thức quỳ. Hành động của phụ huynh như vậy mang tính chất "trả thù", hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào, và trên hết là thể hiện rõ tính chất làm "cha" người khác, hạ nhục người khác. (Được biết trước đó Hiệu trưởng và giáo viên đã nhận lỗi, xin lỗi mà vẫn bị ... bắt quỳ!)
Kể cả trường hợp cô giáo có lỗi với học sinh, thì người cô giáo phải xin lỗi là học sinh ngay trước lớp chứ không phải là quỳ xin lỗi phụ huynh. Hành động bắt cô giáo quỳ có tính chất làm nhục người khác và rất nghiêm trọng.
Sự việc này không đơn thuần là việc riêng của một cô giáo, mà xét trên bình diện xã hội và dư luận, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, biểu tượng của người thầy - có trách nhiệm và quyền uy trong việc dạy dỗ, giáo dục học sinh.
Nếu vị phụ huynh cảm thấy không thể chấp nhận lời xin lỗi của cô giáo, vẫn có thể yêu cầu bồi thường, kiện ra Toà án. Hay thậm chí có quyền tố cáo đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô giáo. Nhưng không luật nào lại cho phép làm nhục người khác như vậy.
Về vụ việc này, LS Phong nhận định, cần xử lý thật nghiêm vị phụ huynh. Thậm chí có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác - theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự.
* Quy định tại Bộ luật hình sự: Điều 155. Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận