Hồ sơ tài liệu

Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei: TQ lên kịch bản trả đũa

14/12/2018, 07:47

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dùng Huawei như một phương thức “mặc cả” trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

25

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dùng Huawei như một phương thức “mặc cả” trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chưa chắc chính quyền Bắc Kinh đã ở “chiếu dưới”.

Vị thế ngầm của Bắc Kinh

Dưới ngòi bút hài hước, nhà bình luận Tim Culpan của Bloomberg cho rằng, Mỹ đã thành công trong việc “còng tay” một công dân Trung Quốc “có giá trị”, nhưng nhiều công ty và tập đoàn của Hoa Kỳ lại đang ở thế như “đàn cá lớn đã nằm trong một rọ” của Bắc Kinh.

Để chứng minh cho điều này, ông Culpan đưa ra những kịch bản trả đũa mà Bắc Kinh có thể sẽ tung ra trong trường hợp vụ bắt giữ và xét xử bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei không được giải quyết theo mong đợi.

Rủi ro đầu tiên có thể đến với những chuyên gia các công ty Mỹ đang làm việc tại những chi nhánh ở Trung Quốc. Những người này kiểu gì cũng phải nộp hộ chiếu để làm thủ tục gia hạn thị thực hàng năm và nếu không được cấp thị thực, họ sẽ không thể đi đâu hết.

Tiếp theo, các nhà máy sản xuất của Mỹ tại Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa nếu như có bất kỳ phát hiện sai phạm về an toàn hay tổn hại đến sức khỏe người lao động. Trong khi đó, các thanh tra viên có thể tới kiểm tra những công xưởng của người Mỹ vài lần trong 1 tháng, trong khi kiểm tra, dù chưa có lỗi nhỏ nào bị phát hiện thì việc đó cũng tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp.

Đấy là chưa kể, theo công ước quốc tế, Trung Quốc có quyền cấm người nước ngoài (trong đó có người Mỹ) rời khỏi Trung Quốc, buộc họ phải giải quyết tranh chấp kinh doanh, giải quyết các lệnh của tòa án hoặc tạo điều kiện cho các cuộc điều tra của Chính phủ.

Những vấn đề nêu trên chưa phải duy nhất. Nếu muốn làm khó, Bắc Kinh hoàn toàn có thể sử dụng chính sách kiểm soát nguồn tiền nội địa khiến các công ty Mỹ không thể chuyển khoản lợi nhuận ra nước ngoài và cũng không thể trả tiền cho các nhà cung cấp vật liệu. Điều này có nghĩa là các giao dịch tài chính sẽ bị đóng băng hoặc bị kiểm soát đến mức tối đa.

Thật vậy, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã sử dụng Trung Quốc như một phần trong chuỗi sản xuất sản phẩm cho thị trường toàn cầu, bởi nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ. Trong trường hợp Bắc Kinh buộc phải dùng những kịch bản cực đoan nêu trên, các công ty Mỹ, điển hình là các tập đoàn có dây chuyền lắp ráp và sản xuất sản phẩm, linh kiện tại Trung Quốc như Apple, Cisco, Dell, Ford sẽ thiệt hại rất nhiều.

Một điều nữa chắc chắn không thể tránh khỏi là phản ứng phẫn nộ của dư luận Trung Quốc. Cụ thể, trong vụ lãnh đạo Huawei bị bắt giữ tại Canada, nhiều công ty Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ Huawei, như việc trợ cấp cho nhân viên mua sản phẩm của Huawei, trong khi dọa phạt bất kỳ ai mua điện thoại iPhone.

Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Canada và đưa ra các ý tưởng về việc làm thế nào để loại bỏ hoàn toàn điện thoại thông minh iPhone của Mỹ ra khỏi thị trường của nước này.

Kẻ vội vàng, người bình tĩnh

Trở lại các cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Huawei, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông có thể can thiệp vào vụ án nếu việc này giúp đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Điều này càng làm thúc đẩy các suy đoán ở Trung Quốc rằng, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu thực chất chỉ là một “vụ bắt cóc chính trị” để gây sức ép lên các đàm phán trong khuôn khổ cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường.

SCMP ngày 13/12 dẫn lời chuyên gia Mei Xinyu từ Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại quốc tế Trung Quốc cho rằng, những bình luận mới của ông Trump có thể được hiểu như một lời thừa nhận và hành động đánh tín hiệu gián tiếp trong vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei.

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng tới thời điểm này chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa có một động thái gì liên kết vụ lùm xùm của Huawei và các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Đây có thể là những bước đi bình tĩnh và chắc chắn của Trung Quốc nhằm tránh bị áp lực từ Mỹ.

Ông Tim Culpan lưu ý rằng, khi cuộc chiến thương mại càng kéo dài thì Hoa Kỳ sẽ càng bị suy yếu vị thế. Bởi, trong khi các linh kiện Mỹ đang dần được thay thế bằng linh kiện sản xuất tại Trung Quốc thì đối với Hoa Kỳ, việc thay thế người lao động, cũng như các nhà máy và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc lại không hề đơn giản.

Các công ty và tập đoàn Mỹ có thể tìm đến những giải pháp thay thế như chuyển nhà máy tới các địa điểm khác như đảo Đài Loan, các nước Đông Nam Á… nhưng điều này sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

Vì thế, theo ông Culpan, nếu Mỹ tiếp tục “chơi rắn” với Huawei hay bất kỳ tập đoàn nào khác của Trung Quốc, thì có thể các kịch bản trả đũa của Bắc Kinh nêu trên sẽ khiến các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ chịu thương tổn không ít.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.