Trước vụ việc bé gái bị người đàn ông trung niên có tên Nguyễn Hữu Linh (58 tuổi, ở Đà Nẵng) có hành vi dâm ô trong thang máy khu chung cư Galaxy, Q.4, đường Nguyễn Khoái, TP.HCM tối 1/4, hay vụ "cưỡng hôn" của trong thang máy chung cư GoldBalm, Thanh Xuân, Hà Nội, dư luận cũng đã đặt ra câu hỏi Ban quản lý tòa nhà cần trách nhiệm thế nào trong thực thi chống xâm hại tình dục?
Về vấn đề này, LS. Phạm Thùy Dương cho biết: “Tôi tiếp cận với rất nhiều chủ đầu tư trong việc tư vấn xây dựng quy định về pháp lý, vận hành… chung cư nhưng quả thật chưa từng đề cập đến trách nhiệm bảo vệ cư dân”.
Bà Dương cho biết: “Mọi người vẫn mặc định việc bảo vệ nhân thân, quyền lợi cá nhân (cư dân) thuộc lĩnh vực luật pháp, trách nhiệm của chính quyền nhà nước không phải của chủ đầu tư… Và ngay cả trong luật cũng không có quy định về trách nhiệm của các đơn vị này trong các vụ việc đáng tiếc như đã xảy ra.
Tuy nhiên, chắc chắn phải có bổ sung quy định để quy định thêm trách nhiệm ban quản lý đô thị, chủ đầu tư, bên cung cấp dịch vụ… Bởi bảo vệ tài sản là chuyện nhỏ, mục tiêu lớn nhất phải là con người sức khỏe, nhân phẩm của cư dân sống trong chung cư đó”.
Còn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc tổ chức phi chính phủ CSAGA – Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới chia sẻ: “Trong tiêu chuẩn đáng sống của các khu chung cư liệu đã có tiêu chuẩn an toàn tình dục cho phụ nữ và trẻ nhỏ?. Có lẽ nếu ý thức và trách nhiệm về điều đó, thì đôi khi chỉ đơn giản với 1 cách làm là dán thông báo “Trong thang máy có camera theo dõi”, “Nếu gặp bất trắc hãy gọi đường dây nóng của bảo vệ…”, thì chắc hẳn những người có ý định xấu cũng sợ và không dám có hành vi tấn công tình dục với người khác giới”.
Trao đổi với báo giới trước đó, bà Trang Trần (người cũng sinh sống tại chung cư Galaxy) cho rằng: “Vụ việc này có thể gây sang chấn tâm lý và ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của một đứa trẻ. Cả tôi và vô số cư dân đang ở đây rất lo lắng cho con của mình. Mọi người đi làm vất vả cả ngày chỉ có buổi chiều mới đưa con xuống sân chơi một chút, nhưng cha mẹ không thể ở bên con được mãi. Trong khi những kẻ biến thái thì ngày càng nhiều”.
Bà Trang đề nghị ban quản lý chung cư, tổ bảo vệ của tòa nhà cũng phải liên đới trách nhiệm. "Chúng tôi đã tốn bao nhiêu tiền để trả phí quản lý chung cư, để thuê tổ bảo vệ ngồi ở đó làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn. Thế nhưng họ lại làm ngơ khi sự việc xảy ra. Đáng lẽ ra, qua hệ thống camera, khi phát hiện sự việc thì họ phải lập tức gọi điện, báo qua bộ đàm để giải thoát giải cứu cho bé gái. Đằng này họ lại không làm gì.
Ban quản lý cũng vậy, khi biết sự việc, khi đoạn video clip xuất hiện tràn lan trên mạng thì họ phải báo công an, đằng này lại không có động tĩnh gì. Chỉ đến tối 2/4 mới họp cư dân. Tôi cho rằng ban quản lý chung cư và tổ bảo vệ đã có những động thái giấu giếm, bưng bít vụ việc".
“Không chỉ trong thang máy, mà bất kỳ khu vực nào cũng có thể trở thành nơi mất an toàn dễ bị tấn công tình dục với trẻ em khi trách nhiệm của cộng đồng, trách nhiệm của bảo vệ, quản lý ở các khu công cộng, vui chơi, chung cư không được đặt ra. Khi tất cả cùng thờ ơ trước sự việc liên quan trẻ nhỏ mà có nguy cơ mất an toàn như việc bỏ mặc trẻ một mình khi xuất hiện người lạ… thì trẻ dễ dàng đối mặt với nhiều nguy hiểm”, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, Bộ LĐ,TB &XH nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận