Theo LS Trương Quốc Hoè, cần chứng minh hành vi gạ tình của Anh Khoa có nằm ngoài ý muốn của Phạm Lịch không?
|
Nhiều ngày gần đây, showbiz Việt đang “dậy sóng” bởi câu chuyện nữ vũ công Phạm Lịch tố nam ca sĩ Phạm Anh Khoa đã có hành vi gạ tình với cô. Cụ thể, nữ vũ công khẳng định Anh Khoa đã gạ tình bằng những lời nói và hành động khiếm nhã. Theo Phạm Lịch, khi bị cô phản ứng, Phạm Anh Khoa không dừng lại mà còn tấn công học trò nhiều hơn.
Ngay sau đó, một vũ công trẻ tuổi – Nga My tiếp tục lên tiếng, tố cáo Anh Khoa thường xuyên rủ cô "qua chơi" lúc nửa đêm ở khách sạn khi cả hai cùng đi lưu diễn tỉnh.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: “Hiện nay, hành vi gạ tình hay tạm gọi là “quấy rối tình dục” trong các qui định pháp luật như Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật lao động 2012 hay các luật khác của Việt Nam chưa hề có định nghĩa chính xác thế nào là “quấy rối tình dục”.
Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 25/5/2015 cho rằng: “Quấy rối tình dục có thể bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm”.
Ngoài ra, “quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục”.
Đặc biệt, những hành vi này phải nằm ngoài ý muốn của đương sự (người bị hại). Tuy nhiên, để chứng minh hành vi đó nằm ngoài ý muốn của người bị hại là điều khó khăn cho cơ quan điều tra”.
Vũ công Phạm Lịch |
Do đó, luật sư Trương Quốc Hoè cho rằng: “Trong trường hợp người bị hại gặp phải tình huống có biểu hiện bị quấy rối tình dục, phải khéo léo trong việc lưu giữ bằng chứng như: gần gũi với người thứ 3 để sau này họ có thể là người chứng kiến hoặc ghi âm, ghi hình lại những lời nói, hành động”.
Theo luật sư Trương Quốc Hoè, trong trường ca sĩ Phạm Anh Khoa bị vũ công Phạm Lịch và Nga My tố cáo có hành vi quấy rối tình dục sẽ cần có những bằng chứng cụ thể theo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ LĐTBXH đã công bố.
Luật sư Trương Quốc Hoè cho biết thêm: “Nếu chứng cứ đó được cơ quan có thẩm quyền thẩm định đó là bằng chứng chính xác mà hậu quả của người bị hại chưa xảy ra, Anh Khoa chỉ bị phạt hành chính. Nếu hậu quả đã xảy ra, tức là làm cho người bị hại tổn thương về tinh thần, sức khoẻ, sẽ cấu thành tội quấy rối tình dục”.
Về xử lý vi phạm hành chính: Hiện nay, những hành vi quấy rối tình dục thường được xử lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội. Theo đó hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Về xử lý hình sự: Nếu hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 về “Tội làm nhục người khác”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận