Kinh nghiệm bao đời nay đã chứng minh “nước xa không cứu được lửa gần”. Thế nhưng, vụ cháy rừng thông 50 tuổi ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mới đây cho thấy một sự thật, đó là ngay cả khi nước đang rất gần cũng không thể cứu được lửa ngay.
Theo điều tra của công an huyện Nghi Xuân vào sáng 28/6/2019, Phan Đình Thành (SN 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đi mua đồ ăn sáng và mua một chiếc bật lửa ga để hút thuốc. Đến gần trưa cùng ngày, Thành ra gom rác trong vườn lại khu vực cuối vườn rồi dùng bật lửa để đốt rác.
Do trời nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Thành đã dùng xô múc nước để dập lửa nhưng không được nên gọi mọi người đến giúp đỡ. Tuy nhiên, lúc này, lửa đã cháy mạnh và lan từ vườn nhà Thành sang khu vực rừng thông phía sau. Ngọn lửa bắt đầu từ thôn 7, xã Xuân Hồng lan rộng ra khu vực rừng phòng hộ thuộc một số thôn khác và rừng phòng hộ thuộc Thị trấn Xuân An.
Sau gần 3 ngày huy động hàng ngàn người cùng các phương tiện chữa cháy, đến sáng ngày 30/6 đám cháy mới cơ bản được khống chế sau nhiều lần bùng phát trở lại. Đến chiều ngày 1/7, các lực lượng chữa cháy vẫn phải túc trực để đề phòng ngọn lửa một lần nữa quay lại.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối tượng Phan Đình Thành về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy" theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý ở đây là vị trí rừng thông bị cháy nằm ngay cạnh nguồn nước khổng lồ - đó là dòng sông Lam.
Tại sao, nguồn nước ở rất gần đám cháy nhưng phải chờ đến 3 ngày mới khống chế được ngọn lửa.
Có thể nhìn qua mấy nguyên nhân sau: nắng nóng kéo dài nên thảm thực bì quá dày; hiện trường vụ cháy xảy ra ở trên núi cao trong khi công cụ dập cháy của chúng ta còn quá thô sơ, chủ yếu là lấy cành cây, máy thổi… để khoanh vùng, khống chế lửa. Việc tiếp nước cũng chủ yếu bằng thủ công: xách từng can, hoặc đấu vòi từ dưới xe cứu hỏa lên núi cao… rất mất thời gian và khó khăn. Chưa kể gió Tây Nam thổi mạnh khiến ngọn lửa lan nhanh và diễn biến khó lường.
Nói vậy, không có nghĩa là chúng ta không có phương án tối ưu hơn, nhưng việc thực hiện cũng không hề dễ dàng. Trong quá trình thị sát, kiểm tra và chỉ đạo công tác chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Phương án dùng máy bay trực thăng để dập lửa cũng đã được Chính phủ tính tới. Thế nhưng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy. Đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay nên Chính phủ chưa điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng công ty Bay Bộ Quốc Phòng ứng cứu.
Chỉ vì một hành động nhỏ là đốt rác trong vườn nhưng đã gây ra một vụ cháy rừng khủng khiếp, kéo dài đến tận 3 ngày mới dập được. Hỏa hoạn đã thiêu trụi hàng chục héc ta rừng thông phòng hộ đã được trồng nửa thế kỷ trong tích tắc; làm xáo trộn đời sống sinh hoạt và kinh doanh của hàng trăm hộ dân sống gần đó. Nhìn hình ảnh những cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, dân quân tự vệ cùng với người dân ăn vội hộp cơm; thức trắng đêm “chiến đấu” với lửa khiến lòng chúng ta quặn thắt.
Xót xa tiếc rừng, tiếc công tiếc của, và cả tính mạng của những người dân hy sinh trong đám cháy. Mới nói “phòng cháy hơn chữa cháy” chính là vì thế.
Cho nên, để tránh những thiệt hại không đáng có tiếp tục xảy ra. Trước tiên, mỗi chúng ta phải tự nâng cao ý thức của bản thân trong việc phòng cháy, chữa cháy. Các cấp, các ngành phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận