Pháp đình

Vụ chạy thận 8 người chết: Không ai hướng dẫn sử dụng thiết bị

15/05/2018, 17:59

Hai bị cáo Sơn và Quốc đã phủ nhận lời khai của nhau tại phiên tòa xét xử.

325069501425570830880878149140952647204864n_KGFM_t

Toàn cảnh phiên toà xét xử chiều 15/5

Chiều 15/5, phiên tòa xét xử vụ án làm 8 người tử vong khi đang chạy thận tại Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình tiếp tục được tiến hành. Bị cáo Hoàng Công Lương có mặt tại phiên tòa khá sớm, tiếp sau đó là hai bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc được cơ quan công an công an dẫn giải đến.

Mở đầu phiên xét xử chiều, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công  ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, cho biết sáng 28/5/2017, bị cáo theo yêu cầu của Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn đến Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình thay vật liệu của hệ thống lọc RO (cát, sỏi, hạt nhựa trao đổi ion, tiệt trùng hệ thống tuần hoàn thoát nước,…)

Trả lời tòa về việc giữa bị cáo và Công ty Thiên Sơn có giao dịch như thế nào, Quốc cho hay hai bên thỏa thuận sẽ thay thế vật liệu và các hạng mục nêu trên. Tuy nhiên, tại thời điểm này, hai bên chưa làm hợp đồng mà chỉ thỏa thuận bằng báo giá. 

Quốc cho hay không hề hay biết giữa Công ty Thiên Sơn và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình có thỏa thuận về việc sửa chữa hay không? Bị cáo đến BV chỉ là theo yêu cầu của Thiên Sơn và được giới thiệu đến gặp bị cáo Trần Văn Sơn.

Quốc cũng khẳng định đã đến BV đa khoa tỉnh Hòa Bình rất nhiều lần từ năm 2013, ít nhất 2 lần/năm, mỗi lần đến chỉ gặp và làm việc với Sơn. Bị cáo Sơn hướng dẫn công việc và chỉ vị trí máy móc cần thay thế hoặc bảo dưỡng, các hướng dẫn này dựa trên hợp đồng giữa BV với Công ty Thiên Sơn.

DSC_0034

Bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc (từ trái qua phải)

Quốc khai, theo thỏa thuận giữa Trâm Anh và Thiên Sơn, bị cáo phải đảm bảo chất lượng nước sau khi thực hiện các công việc sửa chữa, bảo dưỡng. Việc xác định chất lượng nước được căn cứ vào kết quả xét nghiệm có sự chứng kiến của ba bên (người bảo dưỡng, công ty Thiên Sơn, phòng vật tư).

Về nguyên tắc, nếu nguồn nước chưa được xét nghiệm mà đã chạy y lệnh là không được phép.

Quốc cho hay vào ngày xảy ra sự cố, bị cáo chưa thực hiện xong công việc của mình, chưa bàn giao trên giấy tờ. Trước khi nghỉ, bị cáo có gọi điện cho Sơn đến khóa cửa và nhắc đã sửa và thay thế các vật tư xong, sáng hôm sau mới vào lấy mẫu nước.

Tuy nhiên, sáng 29/5, khi Quốc quay lại thì thấy hệ thống máy đã chạy. Bị cáo cho rằng mình không có quyền cho máy chạy hay không, việc đảm bảo chất lượng nước chỉ sau khi xét nghiệm mới có thể kết luận.

Trả lời việc tại sao biết nguồn nước chưa được xét nghiệm có đảm bảo hay không nhưng lại không ngăn cản việc ra y lệnh, Quốc nói: “Vâng, đó là lỗi của bị cáo”.

Quốc nói bằng kinh nghiệm của bản thân, tất cả những màng RO rút ra để thay thế thì khi lắp vào bắt buộc phải vệ sinh cả trong và ngoài. Thấy màng RO bị đóng két canxi rất dày, Quốc đã dùng hỗn hợp hóa chất HCL và HF (tỉ lệ 5%) để vệ sinh bên ngoài màng. Trước đó 3 tháng, bị cáo đã làm một lần rồi và không xảy ra hậu quả gì.

HĐXX tiếp tục truy hỏi việc có được phép sử dụng hỗn hợp hóa chất trên để vệ sinh màng RO hay không? Bị cáo nói rằng không biết hai hóa chất này bị cấm trong y tế, chỉ thực hiện theo chỉ dẫn của người khác cũng như kinh nghiệm của bản thân. Chưa bao giờ xảy ra sự cố tương tự hoặc có dấu hiệu bất thường gì.

Tại những lần bảo dưỡng đầu tiên, Quốc đều nhắc nhở cả phía BV và Thiên Sơn về việc không được chạy hệ thống khi chưa xét nghiệm chất lượng mẫu nước, điều này sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, phía Thiên Sơn có nói lại rằng việc xét nghiệm mất 10-15 ngày thì bệnh nhân chạy ở đâu. Do vậy, ngoài ngày 28/5, bị cáo không biết BV có đưa vào sử dụng trước khi có kết quả xét nghiệm hay không.

“Bị cáo nhận thấy vì sự chủ quan của mình mà dẫn tới hậu quả cực kì nghiêm trọng. Bị cáo rất hối hận” – Quốc nói.

Sau Quốc là bị cáo Trần Văn Sơn. Theo bị có này, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 28/5, Quốc có gọi điện thông báo đã đến BV rồi, bị cáo gọi cho một nhân viên BV mở cửa cho Quốc để chờ mình đến. Tuy nhiên, khi đến thì Quốc đã sửa chữa đường ống rồi. Bị cáo không biết ai đã bàn giao cho Quốc để sửa chữa.

Đáng chú ý, Sơn khai nhiệm vụ của bị cáo được giao là quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị tại nhiều khoa, trong đó có Khoa hồi sức tích cực và đơn nguyên thận nhân tạo. Ngày 28/5, việc đề xuất sửa chữa đường ống RO là do Khoa hồi sức tích cực đề xuất, cụ thể là hai bác sĩ trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương kí.

Tuy nhiên, Sơn khẳng định khi BV giao kết hợp đồng với công ty Thiên Sơn về việc sửa chữa đường ống, bị cáo không được ai thông báo.

Sáng ngày 29/5, khi bị cáo đến lấy mẫu nước đi xét nghiệm thì hệ thống máy đã hoạt động, có trao đổi lại với y tá Nguyễn Thị Hằng để đến trưa thì lấy mẫu nước. Sau đó có trao đổi lại với Quốc về việc này.

“Bị cáo thấy rất có lỗi trong công việc của mình khi đã không có mặt tại đó. Tuy nhiên, để xảy ra hậu quả khiến 8 người tử vong có phải do lỗi của bị cáo hay không thì xin nhờ HĐXX xem xét”

Đặc biệt, Sơn khai từ khi công tác đến xảy ra sự cố, bị cáo không được ai hướng dẫn hay có văn bản nào bắt buộc phải lấy mẫu nước để đi xét nghiệm, trong báo giá của các lần trước cũng không nói đến điều này, sau khi sửa chữa xong đều đưa vào sử dụng ngay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.