Sáng nay (16/9), trao đổi với PV Báo Giao thông về quan điểm xử lý vụ việc tài xế xe 16 chỗ hất văng, cán qua người khiến 1 chiến sĩ cảnh sát cơ động ở Bắc Giang tử vong, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: Có thể nói rằng hành vi của các đối tượng trong vụ việc này là rất táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để bỏ chạy.
Các đối tượng hoàn toàn có thể nhận thức được rằng với chiếc ô tô 16 chỗ như vậy mà lao thẳng về phía tổ công tác thì hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi nguy hiểm, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra.
Khi thấy chiến sĩ cảnh sát cơ động bám được trên cần gạt nước, yêu cầu đối tượng dừng xe nhưng tài xế vẫn tiếp tục bỏ chạy khoảng 1 km sau thì hất chiến sĩ rơi xuống và cán qua người khiến chiến sĩ cảnh sát cơ động tử vong.
“Trong vụ việc này cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi khách quan và làm rõ ý thức chủ quan của người lái xe và người ngồi cùng trên xe để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Đặc biệt là khi hất chiến sĩ cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ lên nắp capo thì tốc độ, hướng di chuyển, việc lạng lách, đánh võng của đối tượng này thực hiện như thế nào, nguyên nhân chiến sĩ cảnh sát cơ động rơi xuống và bị xe cán qua là gì? Đối tượng có ý thức được hậu quả nguy hiểm hay không để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật...”, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng đã cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy thì hành vi này là hành vi giết người và đối tượng sẽ phải đối mặt với tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Nếu đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự, lái xe bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người này sẽ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và danh dự, nhân phẩm cho gia đình nạn nhân.
Các thiệt hại bao gồm: Chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng cho cha mẹ và con của nạn nhân, tiền bồi thường tổn thất tinh thần cho những người thân của nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can làm rõ hành vi, nhận thức, hậu quả để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật; thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Ngoài ra cơ quan điều tra cũng cần làm rõ số hàng hóa mà đối tượng vận chuyển là hàng gì, của ai? Nếu có căn cứ cho thấy có hành vi vận chuyển trái phép hàng cấm hoặc mua bán hàng cấm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.
Với đối tượng còn lại trên xe có hành vi như thế nào cũng là vấn đề cần làm rõ. Đối tượng đó có giúp sức, có chủ mưu, hoặc có xúi giục đối tượng lái xe thực hiện hành vi phạm tội hay không? Có liên quan đến số hàng hóa nêu trên hay không?
“Trước tình trạng hành vi chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng, nhiều đối tượng côn đồ, manh động chống trả quyết liệt, gây thương tích và gây thiệt mạng cho người thi hành công vụ như hiện nay, vụ việc lần này hoàn toàn có thể xét xử rút gọn, nhanh chóng khởi tố, nhanh chóng điều tra và có thể xét xử lưu động để làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm pháp luật của người dân, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận